Kinh tế xanh

Xây dựng điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch

Thứ năm, 3/6/2021 | 15:33 GMT+7
Ngày 3/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, các địa phương cần bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động vật, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp; đồng thời, tham mưu Bộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật trong tiêu thụ nông sản; tham mưu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; tiếp thu ý kiến các địa phương, phối hợp bàn giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch và tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã lên phương án và đang triển khai xây dựng khoảng 10 điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch Covid-19 tại Hà Nội; khoảng 10 điểm ở các tỉnh, thành phố khác. Các điểm tiêu thụ nông sản mùa dịch đều được trang bị hệ thống sát khuẩn, bàn đo thân nhiệt… được bố trí khu vực xếp hàng bảo đảm khoảng cách an toàn và quầy thanh toán.

Điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch Covid-19

Theo Thứ trưởng, trong tuần tới, Bộ sẽ làm việc với 9 doanh nghiệp bán lẻ để xem xét thành lập Hiệp hội tiếp thị nông sản Việt Nam; phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu về nguồn cung, bao gồm sản lượng, chất lượng, thời điểm thu hoạch, truy xuất nguồn gốc thường xuyên để các trung tâm bán lẻ, phân phối lớn xử lý dữ liệu, có kế hoạch chủ động kết nối nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, trong 5 tháng đầu năm 2021, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển ổn định, tiêu thụ sản phẩm nông sản chưa có khó khăn. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ giới thiệu kết nối, tiêu thụ nông thủy sản của các địa phương có khó khăn trong khâu tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào các kênh phân phối hiện đại như: Central Group, MM Mega Market, Vinmart, BRG. Cụ thể, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ hơn 130 tấn gà đồi cho thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương); 56.000 tấn xoài và 98.000 tấn nhãn của tỉnh Sơn La; hơn 12.000 tấn rau củ, trái cây, thủy sản của các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Giang; hỗ trợ giới thiệu, tiêu thụ hành tím của huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến các doanh nghiệp phân phối, chế biến của Hà Nội...

Cũng trong buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay cây ăn quả chủ lực của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn... đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường có giá trị về yêu cầu kỹ thuật cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương cần chú trọng các nội dung kỹ thuật như: quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, giám sát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... để sản xuất ra các sản phẩm an toàn, cung cấp cho người tiêu dùng trong nước, đáp ứng yêu cầu hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Minh Khang