Kinh tế xanh

Đề xuất xây dựng Trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản châu Á - Thái Bình Dương

Thứ năm, 22/4/2021 | 15:50 GMT+7
Tỉnh Quảng Ninh vừa đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng Trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản châu Á - Thái Bình Dương, tại K3+4, sông Ka Long, thành phố Móng Cái.

Được biết, những năm gần đây, thương mại nông lâm thủy sản (NLTS) giữa Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhanh và ổn định. Trung Quốc luôn là đối tác thương mại mặt hàng NLTS lớn nhất của nước ta, với hơn 21,6% tổng giá trị xuất khẩu (XK), Việt Nam luôn là nước xuất siêu. 

Năm 2018, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 8,64 tỷ USD NLTS và nhập khẩu từ Trung Quốc 2,47 tỷ USD. Các nhóm mặt hàng NLTS chính XK sang Trung Quốc là rau quả, thủy sản, hạt điều, cà phê, chè, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn, thức ăn chăn nuôi (TACN) và nguyên liệu TACN, cao su, sản phẩm từ cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Rau quả là mặt hàng có tỷ trọng lớn nhất đạt 2,78 tỷ USD năm 2018, tăng 4,9% so với năm 2017, chiếm 32,2% trong tổng giá trị xuất khẩu NLTS sang thị trường này và chiếm 73,0% tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam 2018. 

Chỉ tính riêng các hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), lưu lượng hàng hóa XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc qua đây tăng nhanh, nhất là hàng tạm nhập tái xuất vận chuyển bằng container.

Cầu phao tại Cảng cạn ICD Thành Đạt, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), nơi diễn ra các hoạt động XNK hàng hóa nông sản

Tuy nhiên, do đích cảng thông thường là cảng Hải Phòng nên các doanh nghiệp phải tốn thêm thời gian, chi phí hoàn thiện thủ tục hải quan ở Hải Phòng, sau đó thuê phương tiện vận tải ra Móng Cái xuất sang Trung Quốc.  

Hơn nữa, tại các cảng biển ở Hải Phòng luôn xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa do hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Chính vì thế, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng Trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản châu Á - Thái Bình Dương.

Trung tâm được định hướng là một chợ đầu mối nông sản, là một khâu quan trọng trong chuỗi giá trị nhằm cung cấp các thủ tục xuất nhập khẩu, các dịch vụ logistics, giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng hàng hóa NLTS đủ tiêu chuẩn XK trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt quy trình, chất lượng hàng hóa nhập khẩu.  

Đại diện Công ty cổ phần Thành Đạt, đơn vị quản lý Cảng cạn ICD Thành Đạt cho biết, thành phố Móng Cái có tiềm năng vô cùng lớn trong hoạt động XNK nông sản; hệ thống đường bộ cao tốc đang hoàn thiện đi Móng Cái sẽ thu hút lượng hàng lớn thông quan. Tuy nhiên, hiện chưa có một trung tâm cung ứng nông sản nào đặt tại các vị trí đường biên đủ quy mô và năng lực để thúc đẩy thương mại biên giới và tiến hành các dịch vụ giá trị gia tăng cũng như đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản xuất nhập khẩu tại đây.

Việc xây dựng dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp an toàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó lấy Trung tâm giao dịch nông sản châu Á - Thái Bình Dương là hạ tầng đầu mối là dự án thực sự cần thiết, được UBND tỉnh Quảng Ninh lựa chọn là hoạt động ưu tiên để đề xuất với dự án Thực phẩm an toàn Việt Nam với nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng chia sẻ, Trung tâm trên sẽ là giải pháp hỗ trợ mặt bằng tập kết các mặt hàng nông sản của nhiều vùng trên cả nước, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hiện đại nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dự án Trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản châu Á - Thái Bình Dương

Đây cũng là địa điểm để các dự án hỗ trợ kỹ thuật có thể triển khai chuyển giao công nghệ và kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, kiểm soát các sự cố về nhiễm độc thực phẩm, giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, kiểm soát chất thải và ô nhiễm môi trường... Đồng thời, Trung tâm giao dịch nông sản cũng là hình thức kinh doanh thu hút được vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân theo hình thức hợp tác công tư. 

Trung tâm dự kiến được xây dựng với diện tích khoảng 95,3ha, tổng mức đầu tư 2.760 tỷ đồng. Theo đề xuất, tỉnh Quảng Ninh mong muốn được đầu tư Trung tâm này để thúc đẩy hoạt động giao thương hoa quả, nông sản, lâm sản, hải sản trực tiếp sang thị trường Trung Quốc với lượng hàng hóa thông qua khoảng 1 triệu tấn/năm.

Qua khảo sát thực địa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến hoàn toàn nhất trí với đề xuất của tỉnh và đề nghị tỉnh Quảng Ninh có báo cáo chính thức trước ngày 23/4 để Bộ tổng hợp báo cáo các Bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu dành nguồn vốn ODA cho dự án.

Theo Nông Nghiệp VN