Xây dựng đô thị thông minh áp dụng hình thức đối tác công - tư

Thứ ba, 16/10/2018 | 11:37 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, các startup có công nghệ, nhưng đối với các vấn đề lớn như thành phố thông minh thì không phải startup nào cũng có cơ hội để thử nghiệm. Điều đó rất cần sự “cởi mở” từ phía lãnh đạo của các thành phố nhằm tạo ra môi trường, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu thử nghiệm. Khi có các giải pháp tốt, cần áp dụng theo hình thức đối tác công - tư để triển khai các giải pháp đó.

Về chính sách chung của Chính phủ đối với việc phát triển thành phố thông minh cũng như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho biết, có rất nhiều nghị quyết của Đảng đã đưa ra tại các kỳ họp Quốc hội và xuyên suốt trong những năm qua như chiến lược phát triển KH&CN, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hay Nghị quyết về Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030. Bộ KH&CN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã triển khai Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2025 về hỗ trợ nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0, Hệ tri thức Việt số hóa… với mục tiêu tập hợp các dữ liệu dùng chung để phục vụ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có rất nhiều dữ liệu dùng để phát triển thành phố thông minh (dữ liệu về bản đồ của các nước, dữ liệu bản đồ về dân cư, dữ liệu về tiếng Việt…).

Chia sẻ quan điểm về thành phố thông minh, ông Rob Van Giel, nguyên Thị trưởng thành phố Eindhoven (Hà Lan) cho rằng, thành phố thông minh trước hết là sự hợp tác, niềm tin, đáp ứng yêu cầu của xã hội trước những thách thức đang gặp phải. Ông cũng nêu những chương trình hợp tác - công nghệ - doanh nghiệp - con người, trong đó không chỉ có doanh nghiệp mà còn có cả người dân cũng được hưởng lợi. Còn đối với Giáo sư Trần Quốc Tuấn đến từ Giám đốc Nghiên cứu và Quản lý khoa học thuộc Viện quốc gia và năng lượng mặt trời (Pháp), để phát triển thành phố thông minh, “Việt Nam cần có các giải pháp và nên phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai”.

Chia sẻ quan điểm về phát triển thành phố thông minh, ông Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh cho rằng, Bình Dương đang trong quá trình xây dựng thành phố thông minh nên có thể học hỏi các xu thế phát triển thành phố thông minh của Nhật, trong đó tập trung vào vấn đề năng lượng với các phương thức và cách thức, quy mô quản lý khác nhau, các yếu tố khuyến khích người dân tham gia…

hông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, tính đến tháng 6/2018, Việt Nam có khoảng 3.000 startup, khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư tại Việt Nam, 40 vườn ươm và nhiều chương trình đào tạo huấn luyện viên, đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. Nhiều startup gọi vốn thành công bằng phát triển công nghệ mới.

“Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang lan rộng và nhận được sự quan tâm của các nước trên thế giới” - Thứ trưởng nhận định và hy vọng, thông qua Hội nghị WTA, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn.

Tuấn Kiệt