Thông tin tới đoàn công tác, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết, hiện nay, tổng diện tích dâu của huyện Trấn Yên đạt hơn 1.000ha, sản lượng kén tằm đạt 1.500 tấn/năm, giá trị thu nhập gần 300 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 25 cơ sở nuôi tằm con tập trung và 1.600 hộ nuôi tằm lớn; đã thành lập được 15 hợp tác xã (HTX), trên 100 tổ hợp tác với hơn 1.100 thành viên. Ngoài ra, trên địa bàn đã xây dựng 12 chuỗi liên kết giữa các HTX với Công ty CP Dâu tằm tơ Yên Bái để sản xuất, thu mua sản phẩm kén tằm, ươm tơ tự động.
Giá trị thu nhập bình quân từ nghề dâu tằm của huyện hiện đạt từ 300 - 330 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình đạt từ 150 đến 160 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa hoặc các cây rau màu khác từ 5 - 7 lần. Đáng chú ý, chuỗi liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp chế biến kén rất bền vững; các công ty thu mua đều cam kết về giá thu mua kén cho HTX, tổ hợp tác tham gia liên kết.

Mô hình trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị tại huyện Trấn Yên
Theo ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Dâu tằm tơ Yên Bái, để hoạt động bền vững, hiệu quả, công ty đã đào tạo nghề lao động ở địa phương và khu vực lân cận. Đồng thời, thu mua toàn bộ sản lượng kén của các hộ nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Yên Bái thông qua việc ký hợp đồng với các HTX và thương lái với giá cả ổn định.
Doanh nghiệp cũng đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh mở rộng diện tích trồng dâu, nâng cao chất lượng nguồn lao động, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn chuyển đổi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị, đồ dùng nuôi tằm cho các HTX, hộ chăn nuôi để gia tăng sản lượng và chất lượng kém tằm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao việc một huyện miền núi như Trấn Yên - nơi người dân từng quen thuộc với cây lúa, cây ngô lại có thể chuyển đổi trồng hơn 1.000ha dâu tằm, hình thành vùng tằm tơ lớn nhất miền Bắc. Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, để nghề tằm tơ phát triển bền vững và nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng duy trì, phát triển, mở rộng vùng trồng dâu nuôi tằm; tích cực đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm công lao động, nâng cao hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm.
Bên cạnh những giá trị đã đạt được, các cấp ngành và người nông dân địa phương cần khai thác, tối ưu những giá trị vô hình để nâng cao giá trị thu nhập. Tại các làng nghề cần lắp đặt pa nô lớn giới thiệu về địa phương, người dân, sản phẩm, đồng thời tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận thiên gắn với phát triển mô hình homestay, famstay để thu hút khách du lịch; góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho địa phương và phát triển bền vững nghề dâu tằm.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đa số các sản phẩm kén tằm của nước ta xuất khẩu tới nhiều thị trường cao cấp, khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu vì vậy, cần chú trọng việc sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, có chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc để tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.