Trong nước

10 sự kiện nổi bật ngành công thương năm 2022

Thứ hai, 26/12/2022 | 09:49 GMT+7
Bộ Công Thương vừa công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2022.

Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương, chuỗi cung ứng đã được nối lại và đa dạng hóa. 

Với việc phát huy hiệu quả rõ rét trong tháo gỡ khó khăn, sản xuất công nghiệp của cả nước phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Dự kiến năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9% (cùng kỳ tăng 4,8%) đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng từ 8,5 - 9%). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4 - 7,3%).

Năm 2022, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới với hơn 732 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. 

Dự kiến cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn 1 mặt hàng so với năm 2021)

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu mang tính thực chất. 

Chủ trương đảm bảo sự độc lập, tự chủ trong quá trình mở cửa, hội nhập, nâng cao tính tự cường của nền kinh tế đã được Bộ Công Thương triển khai nhất quán. Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động chưa từng có trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ để nâng cao tính tự lực, tự cường của nền kinh tế, từ đó đóng góp cho việc thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển hơn nữa kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước.

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu mang tính thực chất

Thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. 

Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Xúc tiến thương mại: Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và duy trì xuất khẩu bền vững.

Từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, hoạt động cung cấp thông tin thị trường và tư vấn thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương đặc biệt được quan tâm.

Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, góp phần bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước. 

Trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước.

Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, góp phần bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước

Thị trường trong nước: Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao, vượt gấp 2,7 lần so với kế hoạch của ngành, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19 và thị trường thế giới có biến động lớn, nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao.

Điện lực: Cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất tăng cao sau thời kỳ dịch bệnh, tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện, đóng góp tích cực cho khôi phục và phát triển kinh tế.

Việc cung ứng điện năm 2022 của toàn hệ thống điện quốc gia đã được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước

Kiện toàn cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương

Ngày 29/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2022, thay thế Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương giảm 1 Vụ, 1 Cục và 23 phòng thuộc Vụ.

Nghị định 96 của Chính phủ quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương bao gồm 28 đơn vị, trong đó thêm 1 đầu mối. Cụ thể, trong 28 đơn vị, không có Cục Công tác phía Nam, sáp nhập Vụ Tài chính và đối mới doanh nghiệp và Vụ Kế hoạch thành Vụ Kế hoạch – Tài chính, bỏ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời bổ sung Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.

Luật Dầu khí sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua.

Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Tại phiên họp ngày 14/11/2022 kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 (với tỷ lệ 472/475 đại biểu Quốc hội có mặt đồng ý). Luật gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Đức Dũng