7 lĩnh vực hành động ưu tiên về phát triển lưu vực sông Mekong

Thứ năm, 6/4/2023 | 08:44 GMT+7
Ngày 5/4, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 đã thông qua Tuyên bố chung Vientiane, trong đó nhấn mạnh 7 lĩnh vực hành động ưu tiên.

Tại Hội nghị cấp cao, những người đứng đầu Chính phủ của Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (Lào), Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của lưu vực sông Mekong đối với các lĩnh vực liên quan đến nước trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình khung Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015 - 2030, Chương trình nghị sự ASEAN về hội nhập, kết nối khu vực thu hẹp khoảng cách phát triển trong cộng đồng ASEAN và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 trong bối cảnh các thách thức quốc tế và khu vực đang thay đổi và ngày càng phức tạp, từ đó tiếp tục khẳng định giá trị của hợp tác đa phương.

Bên cạnh đó, nhận thức được tính cấp bách ngày một lớn từ những thách thức, rủi ro và cơ hội mà các quốc gia hạ lưu vực sông Mekong hiện nay và trong tương lai phải đối mặt do tác động của các hoạt động phát triển cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do đó, việc quản lý tài nguyên nước tối ưu nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho lưu vực sông Mekong là vô cùng quan trọng để đạt được sự ổn định về môi trường và kinh tế - xã hội cho các cộng đồng sống trong lưu vực, nhưng cũng cần phải tìm ra những ý tưởng mới và phương thức hợp tác sáng tạo để xử lý một cách thỏa đáng các rủi ro và đánh đổi ngày càng tăng liên quan đến phát triển, quản lý lưu vực.

Thông qua Tuyên bố chung Vientiane tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4

Theo đó, để nắm bắt các cơ hội và tăng cường hợp tác vì một lưu vực sông Mekong bền vững và đảm bảo an ninh nguồn nước, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, toàn diện, cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn, phối hợp, hợp tác, tôn trọng chủ quyền, Tuyên bố chung thống nhất 7 lĩnh vực hành động ưu tiên. Bao gồm:

Dựa trên một quy hoạch phát triển lưu vực chủ động và thích ứng, xác định các dự án đầu tư chung và dự án quốc gia có ý nghĩa cho toàn lưu vực và các hoạt động hỗ trợ có liên quan nhằm tăng cường tương trợ và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của cộng đồng ở cấp lưu vực và quốc gia; đưa ra các giải pháp ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, bao gồm các giải pháp công trình, giải pháp thích nghi thuận tự nhiên, các giới hạn môi trường, quản lý phù sa bùn cát, hỗ trợ triển khai các quy hoạch ngành khác như sản xuất năng lượng tái tạo, kết nối và nâng cấp mạng lưới truyền tải điện của khu vực, phát triển thị trường và các hoạt động thương mại về năng lượng, các trung tâm vận tải đa phương tiện.

Hỗ trợ các quốc gia trong trợ giúp cộng đồng thích ứng với biến động của dòng sông thông qua việc đảm bảo một hệ thống thông tin liên lạc thông suốt nhằm thông báo kịp thời và hiệu quả các biến động bất thường, các vấn đề về chất lượng nước, lũ lụt và hạn hán và trường hợp khẩn cấp liên quan tới nước; đồng thời hướng tới tăng cường chia sẻ dữ liệu vận hành các công trình khai thác sử dụng nước một cách kịp thời và thường xuyên để giúp chuẩn bị và ứng phó tốt hơn.

Hỗ trợ việc ra quyết định về phát triển và vận hành thông qua tăng cường sử dụng công nghệ trong thực hiện tất cả các chức năng quản lý lưu vực sông từ công tác theo dõi, giám sát và quản lý vận hành công trình tới công tác đánh giá và lập kế hoạch, chiến lược dài hạn.

Đảm bảo các hoạt động tham vấn được thực hiện hiệu quả hơn thông qua một diễn đàn của các bên liên quan toàn lưu vực do Ủy hội và các đối tác đối thoại phối hợp tổ chức, tăng cường và đổi mới các hoạt động chung với các diễn đàn hợp tác vùng khác, các đối tác phát triển, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân và các bên có liên quan khác. 

Tăng cường quản lý toàn lưu vực trên cơ sở  chức năng nhiệm vụ của Ủy hội thông qua đổi mới về chính sách, công nghệ và cơ chế hợp tác, đối tác với các khung hợp tác vùng khác có liên quan.

Duy trì và tìm kiếm nguồn tài chính mới để hỗ trợ các nỗ lực nêu trên bao gồm các nguồn từ nhà nước, tư nhân và các cơ chế hỗ trợ tài chính toàn cầu.

Đảm bảo rằng Ủy hội đang trong quá trình chuyển đổi bền vững để tự chủ vào năm 2030, thông qua việc không ngừng phát triển tổ chức nhằm tăng cường năng lực của Ủy hội và các cơ quan, Bộ, ngành có liên quan của quốc gia để triển khai thực hiện chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông, bao gồm việc thu thập và quan trắc các số liệu liên quan về nước do các nhóm chuyên gia chung của lưu vực thực hiện, xây dựng một Mạng lưới giám sát sông Mekong hiệu quả về mặt tài chính, tăng cường việc triển khai các thủ tục của Ủy hội và các cơ chế có liên quan, phương thức làm việc, áp dụng các hướng dẫn và chiến lược của vùng.

Thanh Bảo (T/H)