Hậu Giang phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất

Thứ hai, 3/4/2023 | 10:23 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 659/QĐ-UBND phê duyệt vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn.

Quyết định được phê duyệt nhằm tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cũng như các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố cần nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý khai thác nước dưới đất theo chỉ đạo của Trung ương.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang có trách nhiệm công bố Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên các phương tiện thông tin đại chúng và đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh Hậu Giang; thông báo tới UBND cấp huyện, xã nơi có vùng, khu vực hạn chế khai thác. Căn cứ vào Danh mục để tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu và lập danh sách các công trình khai thác hiện có thuộc vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã được công bố, lập phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về hạn chế khai thác nước dưới đất.

UBND huyện, thị xã, thành phố cần triển khai, phổ biến quyết định này đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc địa bàn quản lý; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu và lập danh sách các công trình khai thác hiện có thuộc vùng hạn chế đã được công bố để lập phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định.

Phê duyệt vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Theo quyết định, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gồm: khu vực thuộc vùng hạn chế 1, vùng hạn chế 3, vùng hạn chế hỗn hợp. Trong đó, vùng hạn chế 1 yêu cầu dừng mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có và thực hiện xử lý, trám lấp giếng theo quy định đối với khu vực có biên mặn, có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan (TDS) từ 1.500mg/l trở lên; khu vực có bãi chôn lấp chất thải tập trung; khu vực có nghĩa trang tập trung. Không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới đối với khu vực liền kề (1.000m từ biên mặn; 3.000m từ ranh giới đất của bãi chôn lấp chất thải rắn ra ngoài).

Ở vùng hạn chế 3, không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới. Đối với công trình không có giấy phép thì dừng khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định. Trường hợp công trình khai thác để cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng chống thiên tai thuộc đối tượng phải có giấy phép khai thác nước dưới đất nhưng không có giấy phép thì được cấp giấy phép nếu đủ điều kiện về tài nguyên nước, sau khi chấp hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Trường hợp công trình đã có giấy phép thì được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép và tiếp tục được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Thực hiện đăng ký khai thác nước dưới đất theo quy định đối với tổ chức, cá nhân đã có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày,đêm; giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong vùng hạn chế 3 và có chiều sâu lớn hơn 20m.

Đối với các ngành nghề quan trọng sản xuất hàng hóa xuất khẩu, sử dụng ít nước và đòi hỏi chất lượng nước cao hơn chất lượng nước cấp theo QCVN hiện hành (sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu thuộc ngành nghề chủ lực của địa phương, trong vùng) thì được xem xét cấp giấy phép khai thác nước dưới đất ở các tầng sâu nếu đủ điều kiện được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Trong vùng hạn chế hỗn hợp, UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo áp dụng các biện pháp hạn chế trên cơ sở các biện pháp hạn chế của những vùng bị chồng lấn lên nhau.

Gia Bách