Tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em nông thôn

Thứ ba, 4/4/2023 | 16:19 GMT+7
Nhằm thúc đẩy hơn nữa việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) bàn giải pháp tiếp cận nước sạch và vệ sinh an toàn cho phụ nữ và trẻ em nông thôn.

Số liệu thống kê từ UNICEF chỉ ra rằng, đến năm 2022, cứ 100 người thì có 58 người chưa được tiếp cận với các dịch vụ nước sạch từ công trình cấp nước tập trung nông thôn. Thách thức trong những năm tiếp theo sẽ xoay quanh việc thiếu vốn đầu tư công trình cấp nước để tăng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; thiếu vốn đầu tư cho các công trình để đảm bảo duy trì tỷ lệ dân số nông thôn đã sử dụng nước sạch và môi trường pháp lý để thực hiện được các chính sách xã hội hóa cho lĩnh vực cấp nước nông thôn.

Tại buổi hội thảo với UNICEF về giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh an toàn ở khu vực nông thôn diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho mọi người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết bởi nó tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của mỗi người. Nội dung này đã được đưa vào mục tiêu số 6 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Ở Việt Nam, việc vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sạch cũng đã được Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện trong nhiều văn bản.

Bàn giải pháp tiếp cận nước sạch và vệ sinh an toàn cho phụ nữ và trẻ em nông thôn

Theo bà Anjanette Saguisag, quyền Phó trưởng đại diện UNICEF, ở Việt Nam, việc tiếp cận nước sạch, vệ sinh đã được cải thiện nhanh chóng, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cho phụ nữ, trẻ em tại các vùng khó khăn. Nếu không có điều kiện về nước sạch, vệ sinh tốt thì phụ nữ và trẻ em sẽ mắc phải nhiều bệnh tật, ảnh hưởng đến năng suất lao động và các phúc lợi nói chung. Do đó, Hội LHPN Việt Nam và các cơ quan liên quan cần phối hợp hành động để ưu tiên những đối tượng đang khó tiếp cận được với nước sạch, vệ sinh; lồng ghép vấn đề này vào các Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức cho phụ nữ về hệ thống nước sạch, vệ sinh môi trường.

Các đại biểu đã cùng thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn một cách hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em nói riêng và toàn xã hội nói chung. Theo TS. BS. Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe môi trường, Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cần đẩy mạnh truyền thông vận động chính sách về tầm quan trọng của vệ sinh; truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh, tạo ra nhu cầu xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh với nhiều thông điệp về: sự riêng tư, văn minh, an toàn, cải thiện sức khỏe, kinh tế gia đình…; tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng; tạo nguồn cung và huy động nguồn lực đầu tư.

Đại diện các cấp Hội phụ nữ Hà Nội cho biết, vấn đề nước sạch và vệ sinh an toàn cho phụ nữ, trẻ em được Hội LHPN thành phố Hà Nội triển khai lồng ghép, gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hội đã lựa chọn các nội dung cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tình hình hội viên để triển khai các hoạt động: tuyên truyền trên các nền tảng truyền thông của Hội và phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường, truyền thông các mô hình về bảo vệ môi trường…

Sau khi lắng nghe những ý kiến, bà Tôn Ngọc Hạnh nêu ra một số góp ý trong quá trình hỗ trợ các tỉnh xây dựng đề án/kế hoạch. Bao gồm: cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề nước sạch và vệ sinh; phát huy kinh nghiệm, chia sẻ và vận dụng sáng tạo, phù hợp cách làm của những mô hình đã thành công; xây dựng được mô hình mới, sáng tạo, thực hành tốt phù hợp với đặc điểm văn hóa người dân ở từng vùng miền; xác định ưu tiên, lựa chọn các hoạt động phù hợp, ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả quá trình thực hiện để đạt hiệu quả nhất, tránh dàn trải…

Khánh An