Kinh tế xanh

Bắc Giang: Nâng cao giá trị nông sản hàng hóa

Thứ năm, 2/9/2021 | 16:17 GMT+7
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Bắc Giang luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Một số sản phẩm hàng hóa của tỉnh Bắc Giang đã tạo dựng được thương hiệu và đem lại hiệu quả kinh tế cao

Trong phát triển nông nghiệp, đã phát huy điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trình độ thâm canh trong sản xuất, từng bước gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa của tỉnh.

Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm tại Bắc Giang khoảng 170.000 ha, giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 92 triệu đồng/năm; Công tác dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu được quan tâm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh có trên 200 cánh đồng, hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Một số sản phẩm hàng hóa đã tạo dựng được thương hiệu và đem lại hiệu quả kinh tế cao như vải thiều, cam Đường Canh, bưởi Diễn uyện Lục Ngạn; vải sớm, lạc giống, rau an toàn, rau chế biến huyện Tân Yên; lúa thơm Yên Dũng; nấm ăn, rau chế biến huyện Lạng Giang; rau Cần huyện Hiệp Hoà; gà đồi, chè huyện Yên Thế; hoa ly, cây cảnh ở thành phố Bắc Giang; na ở huyện Lục Nam... Vùng trồng cây vải có diện tính khoảng 29.000 ha, sản lượng đạt trên 91.000 tấn, doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ đạt trên 5.000 tỷ đồng; diện tích cây cam, bưởi 7.500 ha, sản lượng đạt 40.000 tấn; diện tích rau các loại trên 23.700 ha, sản lượng khoảng 415.000 tấn;

Chăn nuôi tiếp tục phát triển, tỷ trọng chăn nuôi bán công nghiệp, công nghiệp gắn với áp dụng quy trình an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng tăng. Quy mô tổng đàn lợn, đàn gà tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, mô hình gà đồi Yên Thế được phát triển, nhân rộng đến các huyện miền núi trong tỉnh, duy trì tổng đàn gà tại thời điểm khoảng 17 triệu con, đàn lợn khoảng gần 1,2 triệu con.

Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng, tạo điều kiện áp dụng các kỹ thuật thâm canh tiên tiến gắn với sử dụng giống có chất lượng trong trồng rừng kinh tế, cơ bản đã phủ xanh đồi núi trọc, tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,5%. Công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng được tăng cường; kinh tế rừng phát triển mạnh, nhiều hộ đồng bào miền núi đã giàu lên từ nghề trồng rừng, giá trị sản xuất tăng bình quân 15%/năm.

Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, giá trị sản xuất (giá hiện hành) của ngành có xu hướng tăng; diện tích nuôi trồng hơn 12.000 ha, sản lượng khai thác trên 41.000 tấn.

Hiện Bắc Giang có 3 nhóm sản phẩm chính là: Sản phẩm chủ lực (8 sản phẩm): lợn, lúa, vải thiều, gà, cá, rau các loại, cam, lạc; Sản phẩm đặc trưng (14 sản phẩm): mỳ gạo, gạo thơm Yên Dũng, rượu làng Vân, bưởi, rau cần Hoàng Lương, mật ong, nếp cái hoa vàng Thái Sơn, na Lục Nam, rượu Kiên Thành, bún Đa Mai, mây tre đan Tăng Tiến, bánh đa kế, chè Yên Thế, nấm Lạng Giang; Sản phẩm tiềm năng (30 sản phẩm): Khoai tây, ngô, nhãn, sắn, khoai lang, dưa hấu, táo, chuối, gạo bao thai Lục Ngạn, chanh, nếp Phì Điền, mộc dân dụng Bãi Ổi, rau an toàn Đa Mai, bánh đa nem mỳ Thổ Hà, tương Trí Yên, nhãn, táo Đài Loan, táo xuân 21, quả vú sữa, rượu Giáp Tửu, chổi chít, chổi tre, mây nhựa đan cao cấp Tân Yên, gốm Khuyến (gốm làng Ngòi), mộc dân dụng Đông Thượng, bánh chưng Hiệp Hòa.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có gần 29.000 ha vải thiều, ước tính sản lượng đạt khoảng 150.000-180.000 tấn. Trong tổng diện tích trên, có 13.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ước sản lượng đạt 90.000 tấn; 218,5 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sản lượng đạt 10.000 tấn. Hiện nay, Lục Ngạn vẫn là địa phương có vùng chuyên canh vải thiều lớn nhất miền Bắc. Sản lượng vải thiều của Lục Ngạn đạt cao nhất trong tỉnh. Dự kiến 50% tổng sản lượng vải sẽ tiêu thụ trong nước, 50% còn lại phục vụ xuất khẩu. Thị trường của sản phẩm vải thiều chủ yếu là thị trường các tỉnh, thành phố lân cận và các thành phố lớn, hướng sâu hơn thị trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Đối với thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường ở cả 30 nước vải thiều đang có mặt như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, đặc biệt tập trung cao thị trường truyền thống là Trung Quốc, đẩy mạnh thêm sản lượng xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, Maylaysia.

Tại Bắc Giang, sản phẩm mỳ gạo phát triển tập trung ở Lục Ngạn với mỳ Chũ, ở thành phố Bắc Giang với mỳ Kế và ở Tân Yên với làng mỳ gạo Châu Sơn. Trong đó, mỳ Chũ ở Lục Ngạn phát triển mạnh với sản lượng khoảng 20 nghìn tấn/năm. Sản phẩm được tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu. Hiện nay, mỳ Chũ đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm làm tăng giá trị và khẳng định vị trí trên thị trường.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang hiện có tổng đàn gà lớn đứng thứ hai toàn quốc với quy mô hiện nay đạt hơn 18 triệu con với sản lượng đạt 34 nghìn tấn; trong đó, có vùng chăn nuôi tập trung gà đồi Yên Thế - thương hiệu nổi tiếng với vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận là nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý. Đàn gà thương phẩm của huyện Yên Thế hiện tại đạt 14 triệu con, tổng sản lượng đạt khoảng 23,5 nghìn tấn đến 28 nghìn tấn, giá trị sản xuất đạt trên 1,2 nghìn tỷ đồng. Gà đồi Yên Thế - Bắc Giang hiện được tiêu thụ tại nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nghệ An, Sơn La.... Quy mô giá trị sản xuất con gà đồi Yên Thế đang ngày càng lớn dần. Sản phẩm gà đồi Yên Thế cũng được gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm đảm bảo uy tín, chất lượng, thương hiệu, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bắc Giang cũng có các định hướng trong việc giải quyết căn bản vấn đề con giống gà đồi Yên Thế, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà ra cả nhiều nước trong khu vực và trên thế giới để từng bước nâng tầm gà đồi Yên Thế lên thành thương hiệu quốc gia.

PV