Nông nghiệp sạch

Bắc Giang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch hướng xuất khẩu

Thứ năm, 11/11/2021 | 18:03 GMT+7
Nhờ lợi thế của thiên nhiên cùng nguồn lực lao động giàu kinh nghiệm, Bắc Giang hiện là một trong những tỉnh nổi tiếng cả nước về sản xuất và xuất khẩu nông sản sạch, chất lượng cao.

Không chỉ nổi tiếng với sản phẩm vải Lục Ngạn, Bắc Giang còn được biết đến với các loại quả như cam, bưởi, na, nhãn… Nhờ lợi thế thổ nhưỡng tốt, tiểu vùng khí hậu đặc biệt phù hợp với canh tác cây nhiệt đới, Bắc Giang trở thành địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp. Theo ước tính, diện tích trồng cây ăn quả ở Bắc Giang đang chiếm xấp xỉ 30% tổng diện tích cây ăn quả của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

Những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bắc Giang có sản lượng cam các loại đạt 48.000 tấn, được sản xuất theo quy trình VietGAP; sản lượng bưởi các loại xấp xỉ 37.000 tấn được chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn, cả hai chủ yếu được trồng ở Lục Ngạn. Sản lượng na của tỉnh trong thời điểm cuối năm có ước tính lên đến 4.000 tấn, là sản phẩm chủ lực của huyện Lục Nam và được áp dụng trồng theo hướng VietGAP.

Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, địa phương đã trở thành một trong những vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh Bắc Giang và của cả nước, với trên 28.000ha cây ăn quả các loại, chủ lực là vải thiều Lục Ngạn có 12.500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ngoài vải, huyện cũng xác định phát triển các cây trồng mũi nhọn khác bao gồm cam, bưởi 7.000ha, nhãn 1.000ha, ổi 400ha, nho 100ha, bơ 100ha.

Bắc Giang nổi tiếng với các vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang còn có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn trên 11.000ha, sản lượng trên 230.000 tấn, đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong và ngoài tỉnh và đã đạt yêu cầu chất lượng để xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Đông Âu, Nga, Nhật Bản...

Thời gian qua, Bắc Giang cũng đã phê duyệt danh mục 52 sản phẩm nông sản có tính chất đặc trưng, chủ lực, tiềm năng của địa phương và 117 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thị trường trong và ngoài nước biết đến.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chia sẻ, để tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo nền móng cho việc phát triển bền vững các sản phẩm nông sản chủ lực trong tương lai, Bắc Giang đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc và một số quốc gia có thị trường tiềm năng tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu chính ngạch; kịp thời thông tin về hàng rào kỹ thuật; chỉ đạo, quan tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch để truyền tải lại cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, ông Lê Ánh Dương đề xuất, cần hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng đảm bảo các điều kiện tiêu thụ tại các hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu; hướng dẫn triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp; xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi; tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản nâng cao giá trị.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ trong công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực với các thị trường trong và ngoài nước; nâng cao năng lực quản lý, khai thác và vận hành các gian hàng trên sàn thương mại điện tử và trên không gian mạng. Qua đây không chỉ giúp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp cho tỉnh Bắc Giang mà còn tạo tiền đề, kinh nghiệm quý báu cho các địa phương khác.

Phương An (T/H)