Bất động sản

Bản tin bất động sản số 1/2023

Thứ hai, 2/1/2023 | 07:45 GMT+7
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Theo đó, thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023. Đối tượng lấy ý kiến bao gồm các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Theo nghị quyết, nội dung lấy ý kiến bao gồm toàn bộ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến. Hình thức lấy ý kiến sẽ trực tiếp bằng văn bản. Ngoài ra sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, những hình thức phù hợp khác.

Nghị quyết cũng nêu rõ, ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Giao Chính phủ xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân. Tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

TP Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở

UBND TP Đà Nẵng vừa có công văn giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng có trách nhiệm khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với từng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cụ thể, rõ ràng các vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ trong trường hợp vượt thẩm quyền.

TP Đà Nẵng sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở

Ngoài ra, Sở Xây dựng Đà Nẵng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường; báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các trường hợp vượt thẩm quyền các cấp, các địa phương.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

TP Đà Nẵng cũng giao Sở Xây dựng đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để triển khai thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

TP Hà Nội phát triển khoảng 5,84 triệu mét vuông sàn nhà ở trong năm 2022

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 5320/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội năm 2022. Cụ thể, Hà Nội xác định chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố năm 2022 đạt khoảng 27,6m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở năm 2022 đạt khoảng 5,84 triệu mét vuông.

Trong thời gian tới, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch phân khu đô thị còn lại chưa phê duyệt, quy hoạch xây dựng vùng huyện, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, trong đó tập trung vào các dự án chậm triển khai năm 2021, 2022 để đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án; xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư để dự án chậm tiến độ. Đôn đốc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư. Đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng một số khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy.

TP Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị

Thành phố cũng xác định đẩy nhanh công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án, lập quy hoạch chi tiết các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và dự án đầu tư nhà ở công nhân. Nghiên cứu sử dụng hiệu quả tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, tập trung triển khai công tác kiểm định chung cư cũ, lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai...

UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực cùng các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện kế hoạch này.

Hạ Quyên