Bất động sản

Bản tin bất động sản số 48/2022

Thứ hai, 12/12/2022 | 07:45 GMT+7
UBND Thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 4900/QĐ-UBND về việc tạm cấp kinh phí cho quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy để lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo lại các khu chung cư cũ năm 2022.

Hà Nội tạm cấp hơn 22 tỷ đồng cho 5 quận lập quy hoạch các khu chung cư cũ

Theo quyết định, tổng kinh phí tạm cấp là 22,125 tỷ đồng, từ nguồn điều hành tập trung (kinh phí các nhiệm vụ quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.

UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu UBND quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy có trách nhiệm bố trí kịp thời kinh phí lập đồ án quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ năm 2022.

Chủ tịch UBND các quận trên chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ chính sách, đúng mục đích. Trường hợp sử dụng không hết, UBND quận hoàn trả ngân sách thành phố theo đúng quy định.

Hà Nội tạm cấp kinh phí cho 5 quận lập quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo lại các khu chung cư cũ năm 2022

Trong văn bản trả lời khiến nghị cử tri quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng mới đây liên quan đến tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, đối với chung cư cũ đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết dự kiến xong trong quý IV/2022 thì có thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự kiến trong quý I/2023, dự kiến khởi công trong quý II/2023.

Với các chung cư cũ còn lại sẽ được cập nhật, bổ sung thành các đợt tiếp theo, triển khai thực hiện song song đồng thời theo kế hoạch và trong những năm tiếp theo; khuyến khích chung cư nào hoàn thành xong kiểm định và quy hoạch thì tổ chức lựa chọn chủ đầu tư triển khai trước.

TPHCM đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023

Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, thay mặt UBND TPHCM, Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng đã báo cáo tờ trình về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn.

Theo đó, hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) trên địa bàn TPHCM năm 2023 tăng thêm 1 lần so với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 (tương ứng hệ số từ 2,5 đến 3,5 so với bảng giá đất).

Hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất vượt hạn mức áp dụng hệ số K = 2,5 lần bảng giá đất (hệ số K năm 2022 là 1,5 lần).

Đất kinh doanh dịch vụ, thương mại áp dụng hệ số từ 2,7 - 3,5 lần; đất sản xuất kinh doanh áp dụng hệ số K từ 2,5 - 2,7 lần; trường hợp giao đất có thu tiền không qua đấu giá, cho thuê đất thu tiền một lần áp dụng hệ số K là 2,7 - 3,5 lần.

TPHCM đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023

Theo bà Phan Thị Thắng, nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực điều chỉnh hệ số K để từng bước tiệm cận với giá thị trường. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn, nên hệ số K trên địa bàn đã được giữ nguyên 3 năm (2020 - 2022).

Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn TPHCM thêm 1 lần so với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 là cần thiết để tiếp tục từng bước giá đất được xác định tiệm cận giá thị trường. Khi hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn thành phố năm 2023 tăng thêm 1 lần thì giá đất theo hệ số sẽ tăng ở mức từ 18 - 50% so với giá đất chuyển nhượng trên thị trường (tỷ lệ tùy theo khu vực, mục đích sử dụng đất, hình thức sử dụng đất).

Báo cáo về kết quả phát triển nhà ở trong năm 2022

Bộ Xây dựng vừa có công văn số 5462/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng hoặc điều chỉnh Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở và báo cáo về kết quả phát triển nhà ở trong năm 2022.

Theo Bộ Xây dựng, đến nay, vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa phê duyệt hoặc điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, chưa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022.

Bên cạnh đó, cũng có địa phương thực hiện điều chỉnh Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở không theo đúng quy trình theo quy định của Nghị định số 30 ngày 26/3/2021 của Chính phủ.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chưa xây dựng, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 thì khẩn trương thực hiện theo yêu cầu của Bộ Xây dựng tại văn bản số 820/BXD-QLN ngày 14/3/2022. Sau khi có Chương trình phát triển nhà ở thì phải xây dựng hoặc điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm theo quy định cho phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở đã phê duyệt.

Ảnh minh họa

Với các địa phương đã phê duyệt Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở mà có điều chỉnh thì phải thực hiện quy trình theo đúng Nghị định số 30 ngày 26/3/2021 của Chính phủ, không ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh hoặc ban hành Quyết định của UBND cấp tỉnh để bổ sung các dự án riêng lẻ vào Chương trình, Kế hoạch đã được phê duyệt.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả phát triển nhà ở trong năm 2022 theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt trước ngày 30/12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hạ Quyên (t/h)