Bất động sản

Bản tin bất động sản số 25/2020

Chủ nhật, 19/7/2020 | 15:53 GMT+7
Hà Nội kiến nghị không cấp phép xây dựng dự án nhà cao tầng trong nội đô; bất động sản Việt Nam ngày càng minh bạch… là những tin tức bất động sản nổi bật trong tuần qua.

Hà Nội: Kiến nghị không cấp phép xây dựng dự án nhà cao tầng trong nội đô

Theo UBND TP Hà Nội, để kiểm soát việc xây dựng các công trình cao tầng trong nội đô, UBND TP đã ra quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội kèm theo Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 7/4/2016. Quy chế này đã có các quy định cụ thể theo từng khu vực, đồng thời cũng đã quy trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các quận trong quá trình triển khai.

Cử tri Hà Nội kiến nghị không cấp phép xây dựng với các dự án nhà cao tầng trong khu vực nội đô

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đề nghị, cần rà soát quy hoạch trong khu vực nội đô, khoanh vùng, cấm xây dựng trong những khu vực cần bảo tồn như phố cũ, phố cổ, khu vực hồ Gươm, hồ Tây, thành cổ… Ngoài ra, cần quy định rõ những khu vực được xây nhà cao tầng và để khống chế sự phát triển thì cần thiết phải áp dụng hệ số sử dụng đất.

Ngoài kiến nghị trên, cử tri cũng kiến nghị TP nghiên cứu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cho phù hợp.

Trước kiến nghị này, UBND TP Hà Nội cho biết, về nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, kết quả thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô giai đoạn 2011 - 2019 đã được các đơn vị tiến hành rà soát, từ đó đề xuất các nguyên tắc, nội dung điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố và định hướng của Chính phủ. 

Một kiến nghị khác của cử tri là TP cần có kế hoạch di dời các nhà máy sản xuất trong nội đô ra ngoại ô do không phù hợp với định hướng phát triển đô thị. Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm, với những khu vực trong nội đô sau khi di dời nhà máy sản xuất thì không nên xây nhiều nhà cao tầng, cần giãn dân ra các vùng lân cận thay vì tăng dân số trong nội đô.

Bất động sản Việt Nam ngày càng minh bạch

Theo Tập đoàn JLL, nhờ sự phát triển của hai đô thị Hà Nội và TPHCM, độ minh bạch nước ta được xếp hạng 56 trên toàn cầu, bước vào nhóm các nước "bán minh bạch" lần đầu tiên sau một thập kỷ.

Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định: "Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam đã chuyển mình từ đất nước "kém minh bạch" sang "bán minh bạch" trong Bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch mới nhất của chúng tôi.

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hàng đầu cho ngành công nghiệp sản xuất tại Đông Nam Á và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể. Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải thiện tăng thứ hạng nếu muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài".

Triển vọng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ cả khách thuê và nhà đầu tư, dẫn đến sự gia tăng cạnh tranh cung cấp dịch vụ từ các công ty quản lý tài sản.

Dù nhiều kế hoạch đầu tư vào bất động sản thương mại đã bị tạm dừng do đại dịch, xu hướng phân bổ vốn đầu tư vẫn sẽ tiếp tục và theo đó, độ minh bạch thị trường sẽ càng có vị trí quan trọng hơn trong chiến lược doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các thị trường mới nổi một lần nữa cho thấy sự tiến bộ lớn nhất trong bảng xếp hạng, nổi bật là 6 thị trường châu Á Thái Bình Dương: Trung Quốc đại lục (thứ 32), Thái Lan (thứ 33), Ấn Độ (thứ 34), Indonesia (thứ 40), Philippines (thứ 44). Singapore tăng một vị trí lên hạng 14, dẫn đầu nhóm các nước có tính minh bạch cao.

Hà Nội sắp xây cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh

TP Hà Nội vừa phê duyệt phương án kiến trúc cầu Tứ Liên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, hứa hẹn tạo nên cú hích cho những khu vực này.

Cây cầu với tổng chiều dài toàn bộ tuyến kết nối lên tới 4,84km dự kiến sẽ trở thành cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng. Đây cũng là cây cầu được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến bậc nhất Hà Nội cũng như cả nước, mang hình tượng rồng thiêng bay lên trời.

Phối cảnh cầu Tứ Liên

Dự án sẽ kết nối trực tiếp đường vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, khu vực đô thị của Đông Anh với trung tâm thành phố. Các trục đường quy hoạch xung quanh cầu Tứ Liên, đường quy hoạch mới xuống bãi giữa sông Hồng cũng được hình thành, tạo mạch giao thông hiện đại và thông suốt.

Không tính cầu Vĩnh Thịnh và cầu Trung Hà nằm ở ngoại thành, Hà Nội hiện có 6 cây cầu nối trung tâm thành phố với phần đô thị phía bên kia sông Hồng, gồm: cầu Long Biên, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân và tới đây sẽ có thêm cầu Tứ Liên nối trung tâm thành phố với sân bay và các tỉnh phía Bắc.

Tập đoàn Hòa Bình trúng thầu thi công nhiều dự án lớn

Tập đoàn xây dựng Hòa Bình trúng 4 gói thầu thi công xây dựng các dự án khách sạn, nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Tiền Giang, Đà Nẵng và Hà Nội với tổng giá trị hợp đồng 1.456 tỷ đồng.

Cụ thể, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình vừa trúng thầu dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Want Want tại Khu công nghiệp Long Giang, tỉnh Tiền Giang với tổng giá trị hợp đồng hơn 500 tỷ đồng và chính thức khởi công vào ngày 16/7/2020.

Đây là dự án nhà máy công nghiệp quy mô lớn nhất Đông Nam Á của Want Want, có diện tích 7,5 ha gồm 2 khu xưởng chính là xưởng bánh gạo cao 5 tầng, xưởng sữa cao 5 tầng và các công trình phụ trợ khác.

Hòa Bình là nhà thầu chính thi công cọc, kết cấu, hoàn thiện, hạ tầng, cảnh quan ngoài nhà với thời gian thi công là 335 ngày.

Want Want là thương hiệu bánh gạo Đài Loan (Trung Quốc) nổi tiếng tại thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng.

Đặt nhà máy sản xuất ở vựa gạo lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Want Want về nguồn nguyên liệu sẵn có và chất lượng cao.

Bên cạnh dự án công nghiệp này, Tập đoàn Hòa Bình cũng vừa trúng thầu 2 dự án khách sạn Wink Trần Hưng Đạo và khách sạn Wink Trần Phú tại Đà Nẵng do Công ty TNHH phát triển khách sạn đô thị Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Cả 2 dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn Leed Gold (Mỹ). Liên doanh Hòa Bình - Kajima là tổng thầu thi công kết cấu, hoàn thiện và MEP.

Tổng giá trị hợp đồng 2 dự án này là 790 tỷ đồng.

Ecopark triển khai phân khu nghỉ dưỡng đầu tiên trong lòng đô thị

Tháng 7, Ecopark chính thức giới thiệu ra thị trường toà phân khu resort Sky Oasis. Tổ hợp resort này sở hữu cảnh quan, tiện ích, thiết kế “đo ni, đóng giày” cho nhu cầu nghỉ dưỡng và giải trí nội đô của người Hà Nội. Được biết, phân khu nghỉ dưỡng Sky Oasis nằm bên bờ vịnh đảo rộng hơn 50 ha. Tính sơ bộ, hồ vịnh đảo này rộng gấp 5 lần hồ Gươm và 7 lần hồ Trúc Bạch. Ngoài hồ cảnh quan rộng hơn 50 ha, Sky Oasis còn sở hữu gần 100 tiện ích nghỉ dưỡng và giải trí riêng biệt, nhiều công trình có quy mô kỷ lục như: công viên ánh sáng ven hồ dài 2.5 km; vườn thượng uyển trên cao dài hơn 300 m và rộng hơn 4.000 m2; khu vườn ánh sáng quy mô lớn trên cao kết hợp hồ bơi Bali và rạp chiếu phim ngoài trời; khu vườn trên mây hơn 2.000 m2; 3 trung tâm thương mại khối đế kết nối với nhau bởi các cầu đi bộ trên cao; tuyến phố đi bộ dài 2.5 km được phát triển thành một thiên đường shopping - ẩm thực – check in – giải trí...

Mô hình phân khu nghỉ dưỡng lần đầu tiên trong lòng đô thị

Với dòng sản phẩm nghỉ dưỡng này, cư dân Hà Nội có thể đi nghỉ dưỡng bất cứ khi nào muốn mà không phải chuẩn bị bất cứ thứ gì: không lên kế hoạch trước, không hành lý, không tàu xe, không mệt mỏi di chuyển.

Hà Tĩnh: Đầu tư hơn 426 tỷ đồng dự án Khu đô thị mới Xuân Thành giai đoạn 1

Vừa qua, Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII đã thông qua Nghị quyết, đồng ý chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Xuân Thành, huyện Nghi Xuân với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 426 tỷ đồng. Dự án được thực hiện với mục tiêu xây dựng khu nhà ở đô thị có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, đáp ứng nhu cầu về đất ở, nhà ở của người dân, phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh nói chung và huyện Nghi Xuân nói riêng.

Theo đó, dự án sẽ được đầu tư xây dựng tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân với tổng diện tích 45,5ha. Tổng mức đầu tư dự án là 426.143 tỷ đồng chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất.

Khu đô thị mới Xuân Thành giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ phần kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu dân cư với quy mô dân số khoảng 4.000 người; xây dựng trung tâm đào tạo nghề cho lao động với quy mô 400 học viên, nhà đa năng trên diện tích 4.024m2.

Dự án sẽ có 1001 lô đất ở được cấp thẩm quyền cho phép chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư kết cấu hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch. Đây là dự án sẽ lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh sẽ dành quỹ đất với 4.925ha quy hoạch xây dựng 185 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị và dân cư. Khu đô thị mới Xuân Thành cùng với khu đô thị Hàm Nghi (thành phố Hà Tĩnh) là những dự án khu đô thị có diện tích quy hoạch lớn nhất hiện nay.

Đồng Nai: Nhiều sai phạm xây dựng chui khu công nghiệp 72 ha

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kết luận thanh tra sai phạm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến cụm công nghiệp Phước Tân (phường Phước Tân, TP Biên Hòa) rộng 72ha, xây dựng trái phép trên đất quy hoạch rừng.

Theo kết luận thanh tra, có hơn 50 doanh nghiệp vào xây dựng nhà xưởng sản xuất, trong đó có 7 trường hợp chuyển mục đích đất không phù hợp, 41 trường hợp tự ý chuyển mục đích đất từ nông nghiệp sang kinh doanh trái phát luật đã bị xử phạt hành chính nhưng chưa khắc phục hậu quả, 25 cá nhân chuyển đổi mục đích đất trái quy định, 32 doanh nghiệp, đơn vị khai địa chỉ không đúng quy định...

Thanh tra cũng phát hiện có 34 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, nhiều trường hợp chưa lập thủ tục về môi trường theo quy định và có 45 trường hợp xây dựng các công trình, nhà xưởng với quy mô lớn trên đất trái pháp luật.

Cụm công nghiệp Phước Tân (phường Phước Tân, TP Biên Hòa)

Với những sai phạm trên, Thanh tra UBND tỉnh Đồng Nai xác định UBND phường Phước Tân thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng kéo dài, chưa kịp thời xử lý. Để xảy ra vi phạm trên trách nhiệm thuộc về Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Tân và các cá nhân, đơn vị liên quan ở giai đoạn trước tháng 7/2018.

UBND TP Biên Hòa thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước để xảy ra vi phạm đất đai, môi trường chưa kịp thời xử lý, xử lý chưa nghiêm, chưa dứt điểm. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo TP Biên Hòa, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa phụ trách lĩnh vực, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường, Trưởng phòng Quản lý đô thị...

Trong giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, tại khu vực hơn 72ha có 19/73 thửa đất được cấp giấy chứng nhận lần đầu nhưng trong hồ sơ không có đơn xin. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo UBND huyện Long Thành và cơ quan chức năng của huyện trong giai đoạn 2008 - 2010.

Hoàng Uyên (t/h)