Bất động sản

Bản tin bất động sản số 26

Chủ nhật, 26/7/2020 | 01:42 GMT+7
Dòng tiền đầu tư vào bất động sản giảm mạnh; kéo dài thời gian hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019; TP HCM chỉ đạo tháo dỡ trạm bê tông gây ô nhiễm ở quận Thủ Thiêm,... là những tin tức bất động sản nổi bật trong tuần qua.

Dòng tiền đầu tư vào bất động sản giảm mạnh

Lượng đầu tư vào bất động sản toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự sụt giảm này. Hoạt động đầu tư vào thị trường bất động sản tiếp tục lao dốc khi nhiều quốc gia vẫn còn đóng cửa và hạn chế đi lại, tác động lớn đến những kế hoạch triển khai vốn trong ngắn hạn.

Vốn đăng ký đầu tư tại Singapore và Hongkong trong quý II giảm mạnh nhất khu vực với lần lượt -68% và -65% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường khác cũng ghi nhận giảm đáng kể với Australia -58%, Hàn Quốc -45%, Nhật Bản -20% và Trung Quốc -15%. Dịch Covid-19 cũng gây hệ lụy lớn tới quyết định của các nhà đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI tính đến ngày 20/6 đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% theo năm.

Hiện nay, khẩu vị của các quỹ đầu tư lớn vẫn là các tòa nhà văn phòng tại những thị trường chính, vì vậy đây là phân khúc đón nhận nhiều vốn đầu tư nhất. Các giao dịch đầu tư vào thị trường bán lẻ và khách sạn vẫn tiếp tục trì trệ trong thời gian qua.

Ngành bán lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì chính phủ các nước yêu cầu giãn cách xã hội, nhu cầu bị cắt giảm trong suốt quý II. Hongkong tiếp tục là thị trường giảm giá thuê bán lẻ mạnh nhất khu vực với -13,3%. Tương tự với các thị trường Đông Nam Á, Singapore ghi nhận giá bán lẻ giảm 8,5%.

Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vị thế là điểm đến ưa thích trước xu hướng dịch chuyển nhà máy sản suất. Dù Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các kế hoạch sắp tới của doanh nghiệp, với chiến lược đầu tư dài hạn, bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư. Việc này góp phần tạo tâm lý lạc quan cho chủ đầu tư trong việc nâng giá đất bất chấp dịch bệnh vẫn đang diễn ra.

Lượng đầu tư vào bất động sản toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 32% so với cùng kỳ năm trước

Meyland nhận giải thưởng kép tại Dot Property Vietnam Awards 2020

Tập đoàn BĐS Tân Á Đại Thành - Meyland nhận 2 giải thưởng “Dự án đầu tư tốt nhất Việt Nam 2020” dành cho Meyhomes Capital Phú Quốc và “Nhà phát triển Bất động sản sáng tạo tốt nhất Việt Nam 2020” dành cho Meyland.

Lễ trao giải thưởng Bất động sản Quốc tế Dot Property Awards Vietnam Awards 2020 vừa diễn ra ngày 23/07/2020 tại TP.HCM. Đây là giải thưởng Bất động sản danh giá, uy tín hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Giải thưởng có quy trình đánh giá nghiêm ngặt cùng với bộ tiêu chí khắt khe. Ban giám khảo cũng là những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực: bất động sản, đầu tư, tài chính, quy hoạch, thiết kế, kiến trúc…

Lần đầu tham dự cuộc thi nhưng Meyland - thương hiệu BĐS cao cấp của Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã gây một tiếng vang lớn khi xuất sắc vượt qua nhiều tên tuổi lớn để được vinh danh là “Nhà phát triển Bất động sản sáng tạo tốt nhất Việt Nam 2020 - Best Innovative Developer Vietnam 2020”. 

 Meyland là 1 trong số ít doanh nghiệp BĐS tại Việt Nam được dẫn dắt bởi một Thương hiệu Quốc gia (Tập đoàn Tân Á Đại Thành). Meyland đã có hơn 10 năm chuẩn bị vững chắc cho sự ra đời và hành trình phát triển tăng tốc. Sở hữu quỹ đất gần 1000ha với hơn 20 dự án tại Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Nghệ An và nhiều tỉnh thành phố khác, Meyland được định hướng trở thành Tập đoàn phát triển Đô thị thông minh hàng đầu Việt Nam. Meyland đang hợp tác với nhiều thương hiệu danh tiếng trên thế giới như Dark Horse (Úc), OneLanscape (Hongkong), ChungHo Nais (Hàn Quốc), Accor…

Meyland cũng có những hướng đi riêng trong việc tiếp cận thị trường, linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để tạo ra giá trị “lan toả phồn vinh” tới tất cả đối tác, khách hàng. Với phương châm “sản phẩm thật - chất lượng thật”, chúng tôi mang tới người sử dụng cuối cùng những giá trị đích thực. Mỗi dự án do Meyland phát triển cũng sẽ lan tỏa giá trị phồn vinh, thịnh vượng ra cộng đồng xung quanh khu vực dự án đó”.

Tham gia giải thưởng, dự án đầu tay với nhiều tâm huyết của Meyland là “Thành phố đảo nhiệt đới đa sắc màu” Meyhomes Capital Phú Quốc đã được vinh danh là: Dự án đầu tư tốt nhất năm 2020 - Best Investment Propety Vietnam 2020”. Điều đáng nói là hạng mục này có sự tham gia tranh tài của hàng chục dự án “đình đám” khắp trong Nam ngoài Bắc. Song cuối cùng, Meyhomes Capital Phú Quốc đã giành chiến thắng thuyết phục.

Kéo dài thời gian hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường kéo dài thời gian hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 vào quý 4 năm 2020.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5904/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc báo cáo tình hình thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.

Chính phủ đồng ý Kéo dài thời gian hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019. (Ảnh: internet)

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường kéo dài thời gian hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 vào quý 4 năm 2020. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan liên quan, địa phương huy động tối đa các nguồn lực sẵn có, triển khai các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng, tính thống nhất, đầy đủ của số liệu, báo cáo kiểm kê đất đai; trong đó lưu ý lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ "rà soát diện tích đất quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng và phần diện tích đất rừng nghèo kiệt phân bổ manh mún" được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc sử dụng kinh phí cho kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 của các Bộ: Quốc phòng, Công an và các địa phương; khẩn trương đề xuất mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho từng địa phương có khó khăn do không cân đối đủ ngân sách theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 để bảo đảm tiến độ công bố kết quả kiểm kê đã được Thủ tướng chấp thuận.

TP HCM chỉ đạo tháo dỡ trạm bê tông gây ô nhiễm ở quận Thủ Thiêm

Từ phản ánh của người dân tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm về tình trạng 2 trạm sản xuất bê tông tươi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, UBND TP HCM chỉ đạo chấm dứt hoạt động, tháo dỡ. 

UBND TP HCM vừa có công văn chỉ đạo các sở ngành liên quan và Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (BQL KĐTM Thủ Thiêm) khẩn trương yêu cầu Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (Công ty Tuấn Lộc) chấm dứt hoạt động và tháo dỡ trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo nói trên của UBND Thành phố xuất phát từ phản ánh của cư dân chung cư Sadora,  KĐTM Thủ Thiêm, quận 2 về việc trạm sản xuất bê tông tươi Việt Hàn và Tân Thế Giới hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

BQL KĐTM Thủ Thiêm không được cho phép Công ty Tuấn Lộc tiếp tục kéo dài thời gian, chấm dứt ngay hoạt động và tháo dỡ trạm trộn bê tông tại lô đất 5-1, thửa số 9, tờ bản đồ số 47, bản đồ phân lô KĐTM Thủ Thiêm.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng địa phương  giám sát việc chấm dứt hoạt động, có biện pháp ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng cố ý hoạt động trong quá trình tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng. Trường hợp Công ty Tuấn Lộc không thực hiện tháo dỡ, dọn dẹp vệ sinh, hoàn trả mặt bằng trước ngày 9/7/2020 thì BQL tham mưu cho UBND Thành phố cưỡng chế, tháo dỡ. 

Trong quá trình hoạt động, trạm trộn bê tông của Công ty Tuấn Lộc đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt ngày 17/4/2019 vì thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường.

Sau đó, Công ty Tuấn Lộc xin gia hạn hoạt động trạm bê tông trên và kiến nghị hỗ trợ một phần chi phí san lấp mặt bằng đã đầu tư ban đầu, tuy nhiên vào tháng 3/2020 Sở Xây dựng và UBND TP HCM không chấp thuận. 

Chung cư đầu tiên tại Khánh Hòa được phép bán cho người nước ngoài

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa mới có thông báo công bố dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đầu tiên được cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở.

Khánh Hoà chính thức có chung cư đầu tiên được phép bán cho người nước ngoài - Ảnh 1

Dự án nhà ở thương mại đầu tiên tại Khánh Hòa cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở (Ảnh minh họa)

Theo đó, dự án Tổ hợp công trình hỗn hợp khách sạn, dịch vụ và chung cư Nha Trang Bay (tên thương mại Scenia Bay) tại 25-26 Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang), do CTCP Nha Trang Bay làm chủ đầu tư.

Dự án này có 704 căn hộ chung cư, trong đó tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu tối đa không quá 30% số lượng căn hộ (211 căn). Đây cũng là dự án nhà ở đầu tiên ở Nha Trang mà người nước ngoài được sở hữu.

Đề xuất đấu giá quyền sử dụng đất hơn 300.000 m2 tại Thủ Thiêm

Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa đề xuất với Sở Kế hoạch và Đầu tư T PHCM về việc lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với một khu chức năng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2). Theo đề xuất, khu chức năng số 2c (diện tích khoảng 314.000 m2) nằm ở vùng lõi trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được quy hoạch là Khu phức hợp thể thao, giải trí gồm các hạng mục như: nhà thi đấu đa năng, công viên thể thao – giải trí. Đến nay, khu đất đã được giải phóng mặt bằng nhưng chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Dự kiến sau khi trúng đấu giá, nhà đầu tư sẽ tự bỏ vốn để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông đô thị và các công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ như: đường điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc, bờ kè kênh rạch… rồi bàn giao lại cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố là đơn vị được đề xuất giao xử lý việc đấu giá quyền sử dụng đất. Trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan để lập phương án, hồ sơ đấu giá, trình UBND TPHCM phê duyệt.

 

Thu Uyên (t/h)