Bản tin môi trường số 10/2021

Thứ hai, 30/8/2021 | 11:20 GMT+7
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn số 1100/TTg-NN ngày 23/8/2021 về việc chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp

Để chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ, bão lớn tại khu vực bị dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp

Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, khắc phục kịp thời sự cố đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai. 

Các tỉnh, thành phố có đê tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố đê điều, triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, bảo đảm an toàn cho dân cư vùng bãi sông trong trường hợp xảy ra lũ lớn theo phương châm “bốn tại chỗ” và đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều, tổ chức giải tỏa bãi tập kết vật liệu, công trình, nhà xưởng xây dựng trái phép ở lòng, bãi sông gây cản trở thoát lũ.

Thu gom, xử lý chất thải y tế gắn với quy chuẩn kỹ thuật môi trường

Văn bản mới của Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 và các chất thải khác tại đơn vị phải bảo đảm việc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, không làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.

Theo đó, tại văn bản số 7027/BYT-MT, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch, phương án, hướng dẫn xử lý chất thải trong trường hợp dịch Covid-19 lây lan rộng ra cộng đồng, cũng như chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp với UBND cấp tỉnh thống kê, lựa chọn cơ sở xử lý chất thải nguy hại (có chức năng xử lý chất thải y tế) để thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh từ tỉnh, thành phố không có cơ sở xử lý chất thải y tế hoặc năng lực của cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại không bảo đảm.

Đảm bảo thu gom, xử lý, vận chuyển chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 an toàn, nghiêm ngặt hơn ở từng địa phương

Bên cạnh việc xử lý chất thải, Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển giao chất thải, đặc biệt là chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2, vỏ lọ vaccine Covid-19, khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng thải bỏ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương, bảo đảm các chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 được vận chuyển và xử lý kịp thời theo quy định.

Các địa phương chỉ đạo tăng cường khử khuẩn nước thải tại các cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Tăng cường kiểm tra việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Hà Nội tìm hướng bảo vệ môi trường ở các làng nghề

Thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, năm 2021, thành phố sẽ tập trung rà soát đánh giá, phân loại 165 làng nghề, từ đó đưa ra giải quyết vấn đề còn tồn đọng một cách hiệu quả.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ hướng dẫn các quận huyện có làng nghề tiến hành rà soát chất lượng môi trường từng làng và tổng hợp báo cáo UBND thành phố. Báo cáo tổng hợp là căn cứ để UBND thành phố tiếp tục thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường toàn bộ làng nghề trên địa bàn, tiến tới mục tiêu 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá, phân loại theo thông tư 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.

Đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề

Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục triển khai Kế hoạch hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề năm 2020 nhằm đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội làng nghề; đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng... làm cơ sở cho việc phân loại, phân bổ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ xử lý môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND thành phố tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng nguồn vốn khoảng 569 tỷ đồng. Thành phố đồng thời huy động đầu tư xử lý môi trường tại 48 cụm công nghiệp làng nghề ở các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai... với kinh phí gần 9.000 tỷ đồng.

Mộc Trà