Bản tin môi trường số 10/2022

Thứ hai, 21/3/2022 | 10:46 GMT+7
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu ở Việt Nam (CPEIR).

Thông tin về đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Báo cáo CPEIR đã đánh giá chi ngân sách nhà nước cho biến đổi khí hậu của 6 Bộ bao gồm: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ và 29 tỉnh/thành phố tham gia rà soát.

Theo đó, ngân sách cho biến đổi khí hậu (BĐKH) trong giai đoạn 2016 - 2020 của 6 Bộ có giá trị từ 8.000 - 13.500 tỷ đồng/năm, ổn định tương đương 26 - 38% tổng ngân sách cấp Bộ. Hơn 90% ngân sách được chi cho nhiệm vụ thực hiện đầu tư ứng phó với BĐKH; phần còn lại chi cho khoa học, kỹ thuật, xã hội, chính sách và quản lý nhà nước.

Hội thảo chia sẻ kết quả báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông vận tải chiếm khoảng 80% tổng chi cho BĐKH mỗi năm, tập trung vào cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông. Các Bộ khác có cơ cấu chi cho BĐKH đa dạng hơn bao gồm các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ và kết hợp cả hai. Sự đa dạng của các nhiệm vụ liên quan đến khí hậu của các Bộ cho thấy tính đa dạng trong các giải pháp ứng phó BĐKH được xác định trong nhiệm vụ chính sách của các Bộ.

Theo báo cáo, ngân sách cho BĐKH của 29 tỉnh/thành phố tăng 53%, từ khoảng 15.000 tỷ đồng trong năm 2016 lên gần 24.000 tỷ đồng vào năm 2020, tăng đều qua từng năm và chiếm tỷ trọng tương đối ổn định, khoảng 16 - 21% tổng ngân sách cấp tỉnh. Điều này chứng tỏ các tỉnh đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến BĐKH.

Các hoạt động thích ứng BĐKH chiếm hơn 90% tổng mức chi. Hơn một nửa khoản chi cho nhiệm vụ thực hiện đầu tư ứng phó với BĐKH (CCD) tập trung vào các lĩnh vực giao thông vận tải, khả năng chống chịu của các khu vực thành phố và dân cư, thủy lợi, đê sông và kè biển, chủ yếu liên quan đến cơ sở hạ tầng. Mục tiêu chi cho BĐKH giữa các tỉnh khác nhau do bối cảnh và nhu cầu của các địa phương khác nhau.

Ngành y tế chuẩn bị kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ Y tế ban hành Quyết định số 641/QĐ-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2022 của Bộ Y tế.

Kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động trong công tác dự báo, dự phòng và ứng phó kịp thời, có hiệu quả về y tế trong các tình huống thiên tai, thảm họa; nhanh chóng khắc phục hậu quả sau thiên tai, thảm họa nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra. Đồng thời nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, tránh của các lực lượng và nhân dân với thiên tai, thảm họa; tăng cường hội nhập quốc tế trong PCTT&TKCN.

Đảm bảo công tác dự báo, dự phòng và ứng phó kịp thời, có hiệu quả về y tế trong các tình huống thiên tai, thảm họa

Cụ thể, kế hoạch sẽ kiện toàn tổ chức PCTT&TKCN của Bộ Y tế và Sở Y tế các địa phương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu ngành y tế các địa phương và vai trò điều phối của Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Y tế. Nâng cao năng lực cho cán bộ Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh trọng điểm thiên tai; xây dựng quy trình chuẩn cho các đội hỗ trợ y tế khẩn cấp (EMT) của các tỉnh về ứng phó y tế với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức tạo nguồn vật tư, hóa chất phòng chống thiên tai, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả các địa phương, đơn vị bảo đảm ứng phó với các tình huống thiên tai, thảm họa. Kiểm tra, giám sát các tỉnh trọng điểm thiên tai; duy trì công tác thông tin, báo cáo, sơ kết, tổng kết theo quy định.

Theo quyết định, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai công tác PCTT&TKCN của Bộ Y tế, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt và triển khai thực hiện. Tổ chức lực lượng thường trực trong nắm chắc tình hình thiên tai, thảm họa; thu thập xử lý thông tin, báo cáo Ban chỉ huy PCTT&TKCN; đề xuất phương án xử trí; tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh có liên quan triển khai kế hoạch ứng phó.

Đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh BĐKH

Tại khóa họp thường niên lần thứ 66 của Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu.

Khóa họp thảo luận về vấn đề BĐKH cùng với những hệ quả về thảm họa thiên tai và môi trường; các giải pháp nhằm thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cùng trẻ em gái trong bối cảnh BĐKH, việc lồng ghép giới trong xây dựng chương trình và chính sách liên quan.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu trực tuyến tại khóa họp thường niên lần thứ 66 của Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên Hợp Quốc

Tại phiên thảo luận chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự hoan nghênh và nhất trí cao với chủ đề của khóa họp. Cụ thể, theo Bộ trưởng, BĐKH cùng với những rủi ro thiên tai và môi trường đang trở nên thách thức hơn bao giờ hết, điều này làm tăng nguy cơ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái. Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do BĐKH, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của khóa họp. Chủ đề này cũng hoàn toàn phù hợp với những ưu tiên của Việt Nam hiện nay.

Với quan điểm “mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế, quyết tâm, cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với BĐKH và đạt được bình đẳng giới cũng như trao quyền đầy đủ cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bên cạnh đó, Việt Nam kêu gọi các quốc gia đoàn kết, san sẻ trách nhiệm và tương trợ lẫn nhau nhiều hơn, đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết về tài chính khí hậu đã đưa ra để hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất để ứng phó với BĐKH và thực hiện bình đẳng giới.

Khánh An