Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và trao giải thưởng Môi trường Việt Nam
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT đề nghị, Trung tâm truyền thông TN&MT cần phối hợp với Tổng cục Môi trường và các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Lễ trao giải thưởng Môi trường Việt Nam 2021 và công bố xếp hạng bảo vệ môi trường của các địa phương năm 2021. Khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương, Bộ ngành sớm trong đó đề nghị các địa phương hưởng ứng, đăng ký các công trình về bảo vệ môi trường để qua đó tuyên truyền trước, trong và sau Ngày Môi trường thế giới.
Đại diện các cơ quan bàn về công tác chuẩn bị hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm truyền thông TN&MT Nguyễn Việt Dũng cho biết, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức hai sự kiện nêu trên. Theo đó, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 4/6/2022, tại Hà Nội. Nhân dịp này, Trung tâm sẽ công bố xếp hạng bảo vệ môi trường của các địa phương năm 2021.
Bên cạnh đó, dự kiến từ ngày 3 - 4/6, Trung tâm sẽ tổ chức trưng bày triển lãm về tranh ảnh và các sản phẩm thân thiện với môi trường, phối hợp với Liên đoàn Xe đạp, Mô tô thể thao Việt Nam tổ chức Giải đua xe đạp - Chặng đường xanh; ngày 4/6 tổ chức chương trình Lễ đạp xe diễu hành bảo vệ môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2022.
Để đảm bảo công tác hoạt động truyền thông, Trung tâm sẽ thiết kế bộ nhận diện tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2022 bao gồm: pano, băng rôn, phướn, áp phích gửi tới các Bộ, ban, ngành địa phương, một số tổ chức quốc tế và Đại sứ quán tại Việt Nam để phục vụ công tác tuyên truyền.
Đề xuất giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới
Ngày 24/3, tại hội thảo trực tuyến “Ứng phó biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới”, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều đề xuất quan trọng trong đối phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Paris, Hiệp ước Khí hậu Glasgow, Net-Zero vào năm 2050, Cam kết mêtan, Tuyên bố về sử dụng rừng và đất… Kết quả từ COP26 cũng cho thấy, Việt Nam là một thành viên tích cực đóng góp vào mục tiêu toàn cầu, nỗ lực đảm bảo khả năng thích ứng của cộng đồng trước các tác động bất lợi của BĐKH đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với dự báo.
Hội thảo trực tuyến “Ứng phó biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới”
Những thách thức về BĐKH và phát triển bền vững đòi hỏi hợp tác liên ngành của tất cả các bên tham gia trong xã hội và các cấp chính quyền, từ địa phương đến Trung ương, đồng thời huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.
Theo bà Julia Behrens, Giám đốc dự án Biến đổi khí hậu và năng lượng, Viện FES, các xung đột trên thế giới trong thời gian gần đây một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nhìn từ góc độ quốc gia, Việt Nam không quá bị phụ thuộc nguồn năng lượng ở nước khác. Điều này đã giúp Việt Nam có tầm nhìn xa với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và thực hiện những chính sách mang lại lợi ích cho môi trường và cho người dân.
Theo CCWG, các sáng kiến kinh tế xanh có thể giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19, đồng thời thúc đẩy các giải pháp phục hồi theo hướng chuyển từ tư duy tăng trưởng kinh tế truyền thống, phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, công bằng xã hội, đảm bảo sức khỏe và an ninh lương thực cho người dân. Đây chính là những yếu tố phát triển bền vững cốt lõi.
Tại hội thảo, đại diện hai mạng lưới VCCA và CCWG cũng chia sẻ một số khuyến nghị được tổng hợp từ khảo sát với các tổ chức để thúc đẩy quá trình xây dựng và thực hiện chính sách khí hậu.
Nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm chống lại biến đổi khí hậu
Mới đây, Liên Hợp Quốc đã công bố mục tiêu đầy tham vọng trong vòng 5 năm tới về hệ thống cảnh báo sớm chống lại BĐKH và thời tiết khắc nghiệt cho mọi người.
BĐKH đã hiện hữu rõ ràng thông qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn ở tất cả các nơi trên thế giới. Chúng ta đang chứng kiến những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng gay gắt hơn. Lượng hơi nước trong khí quyển nhiều hơn, dẫn đến lượng mưa rất lớn và lũ lụt gây thiệt hại về nhân mạng. Sự ấm lên của đại dương khiến các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao làm tăng thêm các tác động.
Nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm chống lại BĐKH góp phần đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người
Số lượng các hiện tượng thiên tai được ghi nhận đã tăng lên 5 lần trong hơn 50 năm qua, nguyên nhân chủ yếu từ BĐKH do con người gây ra, từ các hiện tượng thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn. Nhưng nhờ có việc cảnh báo sớm và quản lý thiên tai được cải thiện nên số người thiệt mạng đã giảm gần ba lần so với cùng kỳ.
Ông António Guterres nhấn mạnh: Cảnh báo và hành động sớm sẽ cứu sống con người. Vì mục tiêu đó, Liên Hợp Quốc sẽ dẫn đầu các hành động mới để đảm bảo mọi người trên trái đất được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm trong vòng 5 năm. Liên Hợp Quốc đã yêu cầu Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đi đầu trong nỗ lực này và trình bày một kế hoạch hành động tại hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc được tổ chức vào cuối năm nay ở Ai Cập.
Theo các chuyên gia, hệ thống cảnh báo sớm về lũ lụt, hạn hán, nắng nóng hoặc bão là một hệ thống tích hợp cho phép mọi người biết rằng hiện tượng thời tiết nguy hiểm sắp xảy đến và khuyến cáo cho Chính phủ, cộng đồng để có thể hành động sớm nhằm giảm thiểu các tác động.