Hội thảo do Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (BĐKH) phối hợp cùng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam), Nhóm công tác về BĐKH của Tổ chức phi chính phủ (CCWG); Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) Việt Nam và Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA) tổ chức.
Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ và cập nhật thông tin về các chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia về ứng phó BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thảo luận tình hình triển khai các hoạt động ứng phó, xác định các khoảng trống, ưu tiên và định hướng ứng phó BĐKH để đạt được các mục tiêu trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Paris, Hiệp ước Khí hậu Glasgow, Net-Zero vào năm 2050, Cam kết mêtan, Tuyên bố về sử dụng rừng và đất… Kết quả từ COP26 cũng cho thấy, Việt Nam là một thành viên tích cực đóng góp vào mục tiêu toàn cầu, nỗ lực đảm bảo khả năng thích ứng của cộng đồng trước các tác động bất lợi của BĐKH đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với dự báo.
Hội thảo trực tuyến “Ứng phó biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới”
Những thách thức về BĐKH và phát triển bền vững đòi hỏi hợp tác liên ngành của tất cả các bên tham gia trong xã hội và các cấp chính quyền, từ địa phương đến Trung ương, đồng thời huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.
Theo bà Julia Behrens, Giám đốc dự án Biến đổi khí hậu và năng lượng, Viện FES, các xung đột trên thế giới trong thời gian gần đây một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nhìn từ góc độ quốc gia, Việt Nam không quá bị phụ thuộc nguồn năng lượng ở nước khác. Điều này đã giúp Việt Nam có tầm nhìn xa với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và thực hiện những chính sách mang lại lợi ích cho môi trường và cho người dân.
Trong quá trình triển khai dự án Khí hậu và năng lượng châu Á, FES nhận ra rằng, biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề khoa học hoặc công nghệ mà còn là vấn đề xã hội. Cho nên, các giải pháp cho tăng trưởng xanh cần phải song hành với bảo đảm sức khỏe và thu nhập cho người lao động, chú trọng bảo vệ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH.
Theo CCWG, các sáng kiến kinh tế xanh có thể giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19, đồng thời thúc đẩy các giải pháp phục hồi theo hướng chuyển từ tư duy tăng trưởng kinh tế truyền thống, phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, công bằng xã hội, đảm bảo sức khỏe và an ninh lương thực cho người dân. Đây chính là những yếu tố phát triển bền vững cốt lõi.
Tại hội thảo, đại diện hai mạng lưới VCCA và CCWG cũng chia sẻ một số khuyến nghị được tổng hợp từ khảo sát với các tổ chức để thúc đẩy quá trình xây dựng và thực hiện chính sách khí hậu. Theo đó, cần thúc đẩy sự phối hợp giữa các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trong triển khai các chương trình, chiến lược về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững, mua sắm công bền vững hướng tới đạt được các cam kết của Việt Nam tại COP26.
Trong đó, về phía địa phương, cần có các hướng dẫn thực hiện cụ thể để triển khai tốt các chính sách quốc gia phù hợp với điều kiện của địa phương theo lộ trình rõ ràng nhằm lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội các cấp. Cần tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể vào thực tiễn nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách, các chương trình ứng phó với BĐKH cấp quốc gia và địa phương. Các thông tin và hình thức truyền tải rõ ràng, dễ hiểu hướng tới huy động sự tham gia của từng cá nhân, cộng đồng, các tổ chức xã hội và đối tác đóng góp cho các mục tiêu khí hậu quốc gia.
Khuyến khích các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH như trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, các cộng đồng dân tộc thiểu số, nông thôn, miền núi… tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng, triển khai các chính sách tại địa phương và cộng đồng.