Bản tin môi trường số 1/2021

Thứ hai, 28/6/2021 | 11:54 GMT+7
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý còn xả trực tiếp ra kênh rạch, TPHCM đã và đang nỗ lực xây dựng, đẩy nhanh nhiều dự án xử lý nước thải để giải quyết vấn đề này.

Phấn đấu đạt mục tiêu 78% nước thải sinh hoạt được xử lý theo quy định tại TPHCM

HĐND TPHCM vừa thông qua chủ trương đầu tư cải thiện môi trường cho lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Theo kế hoạch, dự án này sẽ sớm được triển khai vì TPHCM đã thu xếp được nguồn vốn. Đây là tin tốt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; tình trạng ngập úng còn tồn tại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; cũng như đáp ứng nhu cầu được sử dụng nguồn nước sạch, môi trường sạch của người dân TPHCM.

TPHCM đang đẩy nhanh các dự án xử lý nước thải nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nước hiện nay

Được biết, thành phố đã ghép việc cải tạo, xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa, chống ngập và hệ thống thu gom nước thải vào chung một dự án cải thiện môi trường và chống ngập. Đây là giải pháp khả thi, tối ưu nhưng cần nguồn vốn lớn.

Trước đó, TPHCM đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy xử lý nước thải cho từng khu vực. Hiện thành phố đã có 2 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động, 1 nhà máy chuẩn bị vận hành. Thành phố cũng đã có kế hoạch xây dựng thêm 12 nhà máy xử lý nước thải để đến năm 2025 thực hiện được mục tiêu 78% nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Ô nhiễm khói bụi từ cháy rừng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe

Cháy rừng trên diện rộng là một trong nhiều tác nhân làm gia tăng số lượng ca tử vong sớm do các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tại Brazil, khói bụi từ các đám cháy khiến số ca tử vong sớm ước tính khoảng 339.000 ca mỗi năm. Ngoài ra, còn gây tác hậu quả xấu về sức khỏe như: sinh non, nhẹ cân, tiểu đường thai kỳ, bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh hen suyễn cũng như các bệnh hô hấp khác. Đáng chú ý, tiếp xúc lâu với khói bụi từ cháy rừng sẽ làm tăng khả năng dễ bị tổn thương đối với Covid-19. Những người bản địa tiếp xúc lâu dài với khói bụi có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn 250% so với dân số chung.

Cháy rừng sản sinh ra lượng khói bụi lớn

Bà Jeni Miller, Giám đốc Điều hành của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu cho biết, với các vụ cháy rừng do khí hậu nóng lên trên khắp thế giới, những gì chúng ta đang thấy là việc ngọn lửa được kiểm soát và dập tắt, trong khi hậu quả mà nó ảnh hưởng không dừng lại ở đó mà khói bụi sau khi đám cháy bị dập tắt vẫn lan tràn trong không khí và ảnh hưởng lâu dài đến người dân và sinh quyển.

Theo đó, các chuyên gia đưa ra cảnh báo, các Chính phủ cần phải chuẩn bị hệ thống y tế công để giúp người dân đối phó với tác động của nhiều đợt ô nhiễm không khí từ cháy rừng. Việc thực hiện các biện pháp giám sát có hệ thống và giảm thiểu ô nhiễm không khí do cháy rừng phải đi đôi với việc giảm thiểu các nguyên nhân gây cháy rừng và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo toàn cầu, bao gồm cả các nguyên thủ quốc gia của những nước đang trải qua những vụ cháy rừng tồi tệ nhất phải từng bước hạn chế sự nóng lên toàn cầu thông qua các hành động khẩn cấp vì khí hậu.

Tăng cường thảo luận vấn đề nước sạch và vệ sinh tại Hội nghị về các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ

Trong Hội nghị về các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (SDGs) dự kiến diễn ra vào ngày 9/7/2021, Khung tăng tốc toàn cầu Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ liên quan đến nước sạch và vệ sinh (SDG6) huy động các cơ quan của Liên Hợp Quốc, chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác trong năm hoạt động xuyên suốt về tài chính, dữ liệu và thông tin, phát triển năng lực, đổi mới và quản trị để thúc đẩy tiến bộ về nước và các vấn đề về vệ sinh trong toàn bộ Chương trình nghị sự 2030, trong đó mục tiêu SDG6 là đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước, cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Khung tăng tốc toàn cầu SDG6 sẽ bao gồm một loạt các sự kiện hội nghị lãnh đạo cấp cao, đa bên nhằm giúp các bên liên quan duy trì đà phát triển SDG6 cũng như chia sẻ các bài học và phương pháp tốt nhất.

Tại sự kiện, sáng kiến phát triển năng lực SDG6 sẽ là một đóng góp mới cho Khung tăng tốc toàn cầu SDG6. Sáng kiến được xây dựng dựa trên các hoạt động phát triển năng lực hiện có của Ủy ban về Nước Liên Hợp Quốc (UN-Water), được đồng điều phối bởi Vụ Liên Hợp Quốc về vấn đề Kinh tế và Xã hội (UN DESA) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Kim Bảo