Bản tin môi trường số 12/2021

Thứ hai, 13/9/2021 | 11:27 GMT+7
Hội nghị Liên Chính phủ cơ quan điều phối các biển Đông Á lần thứ 25 (IGM 25) đã được tổ chức phần thứ nhất. Đây là sự kiện được tổ chức luân phiên 2 năm một lần để các quốc gia thành viên trao đổi nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường biển và các vùng ven biển của khu vực.

Hội nghị Liên Chính phủ cơ quan điều phối các biển Đông Á

Năm 2021, Việt Nam là quốc gia luân phiên chủ trì tổ chức hội nghị IGM 25. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên hội nghị được chia thành hai phần. Trong đó, phần thứ nhất của hội nghị diễn ra trong các ngày 8 - 9/9 theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Phần thứ hai sẽ được tổ chức trực tiếp tại Việt Nam vào đầu năm 2022 (sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát).

Hội nghị IGM 25 đầu cầu Hà Nội tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Trong phần thứ nhất vừa qua, đại diện Việt Nam và các nước cùng tập trung thảo luận về báo cáo của Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) về triển khai các hoạt động của Cơ quan điều phối các biển Đông Á (COBSEA) 2019 - 2020; kế hoạch hành động khu vực của COBSEA về rác thải trên biển; cập nhật về các dự án và hoạt động trong bối cảnh của kế hoạch hành động các biển Đông Á; kế hoạch làm việc và ngân sách cho giai đoạn 2021 - 2022.

Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm đã kêu gọi các thành viên tham dự hội nghị tập trung vào thảo luận các chiến lược để huy động sự tham gia của các quốc gia trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa và rác thải trên biển; mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa bền vững; các bước tiếp theo mang tính quyết định, bao gồm việc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chặt chẽ thông qua COBSEA để thực hiện tốt kế hoạch hành động khu vực đối với vấn đề rác thải đại dương.

Tại đây, ông Nguyễn Quế Lâm ghi nhận sự phối hợp hiệu quả của UNEP, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các nước thành viên trong những năm gần đây thông qua COBSEA.

Tăng cường tài trợ quốc tế khẩn cấp cho thích ứng biến đổi khí hậu

Theo phân tích của nhóm các nhà nghiên cứu từ các trường đại học tại Mỹ và châu Âu, thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu tiếp diễn vào cuối thế kỷ này có thể cao gấp 6 lần so với ước tính trước đây.

Cụ thể, khi tính đến các tác động của biến đổi khí hậu đối với tăng trưởng kinh tế, GDP toàn cầu có thể thấp hơn 37% vào năm 2100 so với khi không có tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nếu không tính đến những thiệt hại lâu dài (như các dự đoán trước đó) thì GDP sẽ chỉ thấp hơn khoảng 6%, điều này có nghĩa là các tác động lên tăng trưởng có thể làm gia tăng tổn thất kinh tế do biến đổi khí hậu lên gấp 6 lần dự đoán.

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế

Tại cuộc đối thoại ở Rotterdam (Hà Lan) do Trung tâm Thích ứng toàn cầu tổ chức, hơn 50 bộ trưởng và người đứng đầu các tổ chức khí hậu, ngân hàng phát triển nhận định, Hội nghị COP26 nên nhìn nhận việc thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách.

Theo đó, COP26 sẽ không thành công nếu không đưa các nỗ lực thúc đẩy việc thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành vấn đề ưu tiên như việc cắt giảm lượng khí thải carbon.

Trong buổi làm việc, các quan chức cấp cao cũng kêu gọi tăng cường tài trợ quốc tế khẩn cấp nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực thích ứng ở các quốc gia nghèo hơn, vốn thiếu kinh phí từ lâu.

Theo bà Amina J. Mohammed, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, chỉ có khoảng 1/5 nguồn tài chính khí hậu được dành cho các nỗ lực thích ứng khí hậu và chỉ là một phần nhỏ trong số 70 tỷ USD mà các nước đang phát triển ước tính cần có để đối phó với tác động của nóng lên toàn cầu.

Áp dụng công nghệ trong nông nghiệp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng cao

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Hoàng Giang, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm mới có thể làm thay đổi cơ cấu sản xuất của một đơn vị sản xuất hay của một vùng sản xuất. Đặc biệt, các dự án đã mang lại hiệu quả môi trường khi tận dụng được các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp (rơm rạ, bã mía, mùn cưa…) để sản xuất thành sản phẩm có giá trị sử dụng và trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Qua đó, không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà cả người dân sẽ có ý thức tận dụng, thu gom phế phẩm nông nghiệp để cấp cho dự án, vừa có tác dụng tăng thu nhập vừa góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường nông thôn.

Nhiều mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học công nghệ đã góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi cao

Đến nay, nhiều dự án theo Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025” đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Có thể kể đến như: công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận; công nghệ xử lý nước mặt, nước ngầm thành nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu; dự án “Ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh” tại Phú Thọ…

Bên cạnh đó, các dự án sản xuất rau, quả, chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn theo chuẩn VietGAP, an toàn hữu cơ không chỉ giúp tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, mà còn giúp giảm thiểu một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học ra môi trường, giảm phát thải từ sản xuất ra môi trường. Ngoài ra, các dự án xử lý nước, cấp nước sạch, tưới tiết kiệm nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cho những khu vực khí hậu khô hạn…

Khánh An