Đà Nẵng: Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 5

Chủ nhật, 12/9/2021 | 13:46 GMT+7
NLSVN - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 6h qua, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 - Côn Sơn ít di chuyển. Lúc 10h ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, sức gió mạnh nhất cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8.

Các tàu, thuyền đã được đưa vào nơi tránh chú an toàn.

Dự báo trong 3-12h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2 đến 4 m; biển động.

Tại Đà Nẵng, đến khoảng 9h mưa lớn tiếp tục trên diện rộng. Nhiều tuyến đường trên địa bàn ngập cục bộ, khu vực Khe Cạn, phường Thanh Khê Tây, ngập sâu từ chiều qua. Tại phường Thanh Khê Tây khu vực ngập sâu nhất lên đến 1,5m, nước tràn vào nhà kèm theo rác, người dân phải kê cao đồ đạc ngay trong đêm.

Trước đó, ngày 11/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương về việc tiếp tục triển khai ứng phó với bão số 5 (Côn Sơn) và mưa, lũ.

Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thông tin, để ứng phó với bão, thành phố đã kêu gọi, hướng dẫn và đưa tất cả các tàu, thuyền đến nơi trú bão an toàn. Dù thành phố đang đóng âu thuyền Thọ Quang để phòng, chống Covid-19 nhưng vẫn đón 314 tàu cá ngoại tỉnh với 849 ngư dân vào trú bão tại khu vực riêng để bảo đảm an toàn.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã kiểm tra tất cả các điểm có nguy cơ ngập úng, các công trình trọng điểm,... Đồng thời, cũng đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để khi cần thiết có thể di dời 39.000 người ở các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng, nhà ở không an toàn,... về nơi trú ẩn an toàn, bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, thành phố cũng chăm lo cho ngư dân trong và ngoại tỉnh, bảo đảm chỗ ăn, ở và nơi cách ly y tế cho ngư dân này, không để ngư dân ở dưới tàu khi bão đổ bộ.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không được để cho người nuôi trồng thủy sản, người trông coi ở trên các lồng bè, chòi canh, để bảo đảm an toàn. Các địa phương rà soát các khu vực ngập lụt và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của dân ở khu vực này, hướng dẫn các hộ dân kê cao đồ đạc, tài sản, chỗ ăn, ngủ lên cao,...

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, hiện đã có 1.236 tàu, thuyền đang neo đậu trong bờ, trong đó có 314 tàu cá ngoại tỉnh với 849 ngư dân. Các tàu du lịch trên sông Hàn đã di chuyển lên sông Cổ Cò và 646 ghe, thuyền thúng đã đưa lên bờ tránh bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố bố trí 150 cán bộ, chiến sĩ và 13 phương tiện (tàu, xuồng, ô-tô); Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng bố trí tàu công vụ hàng hải và 3 tàu thường trực để hỗ trợ phòng chống bão.

Các địa phương đã yêu cầu người dân gia cố, neo giữ lồng bè, chòi canh và lên bờ để bảo đảm an toàn. Các đơn vị đã cắt tỉa được hơn 40% số lượng cây xanh trên các tuyến đường do thành phố quản lý. Đối với cây xanh trên các tuyến đường do các quận, huyện quản lý thì tổ chức cắt tỉa đạt 90% kế hoạch.

Sở Giao thông Vận tải sẵn sàng hệ thống barie, rào chắn và bố trí lực lượng trực gác, chốt chặn tại các đầu cầu Thuận Phước, cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Phò Nam và tầng 3 của cầu vượt Ngã ba Huế cũng như triển khai phương án chốt chặn, cấm người dân lưu thông qua các cầu khi có bão.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị 4 xe chuyên dụng để thực hiện thu gom nước thải trong trường hợp hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện dã chiến bị hư hỏng; tăng cường lực lượng ứng trực tại các hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý sự cố xảy ra...

PV