Bản tin môi trường số 13/2022

Thứ ba, 12/4/2022 | 16:23 GMT+7
Mới đây, Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đã công bố báo cáo quan trọng về khí hậu, trong đó dự báo nền nhiệt độ trái đất có thể sẽ tăng mạnh ở mức 3,2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Liên Hợp Quốc cảnh báo mức nhiệt trái đất có thể tăng 3,2 độ C

IPCC chỉ ra rằng, lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ qua, đạt mức cao nhất trong lịch sử. Theo đó, lượng khí thải toàn cầu đang trên đà vượt qua giới hạn nóng lên 1,5 độ C được đưa ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 và đạt khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Báo cáo cho biết, nếu các cam kết khí hậu quốc gia hiện tại được ban hành thì vẫn sẽ không thể hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C, thay vào đó đưa thế giới giữ được mức tăng 2,2 độ C nếu không hơn. Theo giới chuyên gia, giữ nhiệt độ nóng lên trong khoảng 1,5 độ C đòi hỏi phải cắt giảm lượng phát thải của tất cả các khí nhà kính gần một nửa vào những năm 2030 và đạt được mức phát thải carbon dioxide ròng bằng không vào những năm 2050.

Các chính phủ cần tăng cường hơn nữa những cam kết khí hậu để đảm bảo mục tiêu giảm tăng nền nhiệt trái đất

Điều đó sẽ đòi hỏi sử dụng ít hơn khoảng 95% than, ít hơn 60% dầu và ít hơn 45% khí đốt vào năm 2050. Các lưới điện chạy bằng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ cần phải đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu năng lượng của thế giới. Các thành phố sẽ cần cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua việc xây dựng các chiến lược tốt hơn để giảm lượng khí thải đô thị.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, tại thời điểm này, chỉ có việc cắt giảm lượng khí thải trên tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp, giao thông đến năng lượng và các tòa nhà, mới có thể xoay chuyển tình thế. Các chính phủ cũng sẽ cần tăng cường nỗ lực trồng nhiều cây hơn và phát triển các công nghệ loại bỏ khí carbon dioxide đã có trong khí quyển sau hơn một thế kỷ hoạt động công nghiệp.

Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tới sức khỏe con người

Nhân Ngày Sức khỏe thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến “Hành tinh của chúng ta, sức khỏe của chúng ta” nhằm nhấn mạnh những tác động của BĐKH đến sức khỏe con người.

Tại tọa đàm, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ, BĐKH là khủng hoảng lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt hiện nay.

Khủng hoảng khí hậu cũng là khủng hoảng sức khỏe. Cụ thể, những nguyên nhân từ môi trường có thể phòng tránh được như ô nhiễm không khí, thiên tai cực đoan, các bệnh sức khỏe do nguồn nước… đã gây ra khoảng 13 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm. Hơn 90% người dân toàn cầu phải hít thở bầu không khí ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch. Do đó, WHO kêu gọi Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, mỗi cá nhân hãy hành động vì BĐKH, vì hành tinh của chúng ta, vì sức khỏe chúng ta.

Tọa đàm trực tuyến “Hành tinh của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”

Chia sẻ về tác động của BĐKH đến lĩnh vực y tế tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiệt độ tăng làm gia tăng các nguy cơ mắc các bệnh nhạy cảm với khí hậu như sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng… tăng tỷ lệ nhập viện, đặc biệt là các đối tượng người già và trẻ em. Các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, lương mưa tăng cũng làm tăng nguy cơ các bệnh truyền nhiễm. 

Trong buổi làm việc, các chuyên gia đã cùng thảo luận về những tác động của BĐKH đến môi trường y tế, sức khỏe con người và xu hướng giảm phát thải, chống BĐKH hiện nay; những đóng góp của ngành y tế trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo đó, các ý kiến đều nhấn mạnh vấn đề Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và dự báo tác động của BĐKH, cập nhật định kỳ trên cơ sở hệ thống dự liệu số đã được cải thiện. Việc có hệ thống cơ sở dữ liệu tốt sẽ giúp các nhà quản lý ra quyết định với tầm nhìn dài hạn, tính ứng dụng cao và đáp ứng yêu cầu thực tế.

Đánh giá công tác phòng, chống thiên tai theo bộ chỉ số

Mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo bộ chỉ số năm 2021.

Để những chính sách, chỉ đạo về PCTT thực sự đi vào cuộc sống một cách sâu sát, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ để xây dựng bộ chỉ số với thang điểm 100 nhằm đánh giá cụ thể những yếu tố quan trọng trong công tác PCTT như phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả… theo Luật Phòng chống thiên tai, Chiến lược quốc gia về PCTT cũng như tình hình thực tiễn.

Sau khi triển khai thực hiện tại các địa phương, Hội đồng thẩm định đánh giá đây là một cách làm tốt, mang lại hiệu ứng tích cực trong xã hội. Hầu hết các địa phương đã bám sát bộ chỉ số, tạo nên một phong trào trong công tác PCTT.

Cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo bộ chỉ số năm 2021

Bộ chỉ số có 3 mục tiêu quan trọng. Đó là, đánh giá một cách công bằng, khách quan, chính xác về công tác PCTT tại các địa phương; qua bộ chỉ số có thể xếp hạng 63 tỉnh, thành, từ đó phát động phong trào để các địa phương nỗ lực, phấn đấu, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác PCTT; hỗ trợ nhận diện một cách chính xác, khách quan những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT ở các địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát trển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, việc đánh giá công tác PCTT theo bộ chỉ số là một hoạt động mới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có bộ chỉ số để đánh giá công tác PCTT ở các địa phương, do đó sau đợt thẩm định, đánh giá lần đầu tiên, một số vấn đề sẽ bộc lộ, cần phải chỉnh sửa, sửa chữa và bổ sung để những bộ chỉ số từ các năm sau có thể kế thừa, phát huy chức năng, hiệu quả một cách sát thực tiễn hơn.

Kim Bảo