Bản tin môi trường số 21/2023

Thứ hai, 12/6/2023 | 09:52 GMT+7
Mới đây, tại Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công bố chiến lược khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban chấp hành Trung Đảng đã khẳng định phải phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội nghị 

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh ba khuyến nghị từ UNDP cho việc triển khai Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam.

Cụ thể, sau khi chiến lược được thông qua, Chính phủ cần đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch không gian biển (MSP), điều cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của nền kinh tế biển bền vững. UNDP và Na Uy vinh dự được hỗ trợ và tham gia vào quá trình xây dựng MSP. Tăng cường quản trị và điều phối trong các lĩnh vực kinh tế biển (như du lịch, vận tải biển, thủy sản, công nghiệp, thăm dò và phát triển năng lượng, quy hoạch, đầu tư và môi trường). Hỗ trợ quốc tế về chuyển giao công nghệ, tài chính bền vững để thúc đẩy sự thay đổi. UNDP khuyến nghị Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các nước và các đối tác phát triển trong quá trình thực hiện chiến lược.

Chung tay chuyển đổi xanh, phát triển bền vững toàn cầu

Trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2023, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên thảo luận “Phát thải ròng bằng 0, phát triển bền vững, đa dạng sinh học”.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, chuyển đổi xanh cần được thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn cầu. Biên giới quốc gia của thách thức khí hậu là không có. Việc thủng tầng ozone ở một góc nào đó trên thế giới sẽ tác động nhanh chóng đến biến đổi khí hậu toàn trái đất. Do đó, cần sự phối hợp chính sách, quyết tâm thực hiện của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đánh giá cao Diễn đàn IFCMA của OECD; việc thống nhất một số định hướng, chính sách chung ở cấp độ toàn cầu như sứ mệnh của IFCMA đóng vai trò quan trọng.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên thảo luận

Theo Bộ trưởng, quá trình chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng, muốn thành công cần tư duy và hành động đột phá, nhất là mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới xanh hơn, hiệu quả và thông minh hơn. Để giảm thiểu các rủi ro phải đánh đổi khi đột phá, Việt Nam mong các nước OECD, những nước đi đầu về công nghệ hỗ trợ tiên phong phát triển và chuyển giao công nghệ mới hiệu quả, an toàn, phù hợp cho các nước đang phát triển.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, lộ trình hành động vì khí hậu ở Việt Nam chỉ có thể thành công với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là OECD qua hỗ trợ vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ, xây dựng thể chế chính sách, quản trị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cũng mong OECD hỗ trợ trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Thông tin, tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm công tác thông tin, tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2013 - 2023.

Tiếp tục tuyên truyền, chủ động quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và cộng đồng; hình thành ý thức trách nhiệm và kỹ năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; góp phần phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền dài hạn và hàng năm; kế hoạch tuyên truyền liên quan tới các vấn đề môi trường trước, trong và sau các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước. Củng cố đội ngũ cán bộ tuyên truyền, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, giúp nâng cao bản lĩnh và sự nhạy bén chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngoài các kênh thông tin truyền thống, cần nghiên cứu xây dựng những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả cho từng đối tượng khác nhau…

Mộc Trà