Bản tin môi trường số 27/2021

Thứ hai, 27/12/2021 | 10:09 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2157/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26

Ban chỉ đạo mới thành lập sẽ là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, bảo đảm phù hợp với quy định tại điều 3 quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành ban hành kèm theo Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các Bộ, ngành, địa phương và hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các nước.

Đồng thời hỗ trợ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thu hút các dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng.

Chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; chỉ đạo giải quyết các thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền trách nhiệm của liên ngành, liên tỉnh để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.

Ban chỉ đạo có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Phó Trưởng ban.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Quyết định số 2501/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch nhằm quán triệt nội dung, cụ thể hóa, phân công và chỉ đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ TN&MT thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược; tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực, dự báo, cảnh báo, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm và đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, có hiệu quả giữa các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Chiến lược.

Nâng cao công tác dự báo khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai trong giai đoạn tới

Để thực hiện tốt Chiến lược, Quyết định nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, đất đai, địa chất khoáng sản có liên quan đến phòng, chống thiên tai. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước để nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo.

Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dự báo khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai; duy trì hợp tác, thường xuyên cung cấp thông tin về thiên tai và giữ liên lạc với các đầu mối quốc tế để tiếp nhận xu hướng quản lý rủi ro thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo Quyết định, Tổng cục Khí tượng thủy văn có trách nhiệm làm đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công; định kỳ hàng năm rà soát, đánh giá, báo cáo và đề xuất các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Kế hoạch.

Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng

Mới đây, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo tổng kết dự án Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng Việt Nam.

Tại lễ tổng kết, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ, Việt Nam là một trong những điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng nhất trên toàn cầu. Do đó, việc bảo tồn và duy trì các hệ sinh thái đa dạng để đảm bảo an ninh lương thực, tạo sinh kế và bảo vệ con người cũng như động, thực vật trước các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Bảo tồn, duy trì các hệ sinh thái đa dạng và các dịch vụ hệ sinh thái rừng Việt Nam

Cố vấn trưởng của dự án, bà Anja Barth chia sẻ về những sáng kiến, cách tiếp cận thành công trong quản lý rừng và tài chính bền vững rừng đặc dụng, phòng hộ tại các vườn quốc gia: Cát Tiên, Bidoup Núi Bà, khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng và rừng phòng hộ Trạm Tấu. Bà cho biết, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ khác của Việt Nam có thể tham khảo áp dụng và tiếp tục cải thiện từ những bài học kinh nghiệm của những ban quản lý rừng kể trên.

Bà Helene Paust, Bí thư thứ nhất kiêm Phó phòng hợp tác phát triển Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết: Tôi hy vọng chúng ta có thể tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học vì lợi ích thiên nhiên và con người. Việt Nam đã đề xuất một dự án mới tập trung vào phát triển các hệ sinh thái rừng phức hợp và hệ sinh thái biển. Chúng tôi mong muốn được cùng các bạn xây dựng cụ thể hơn đề xuất này.

Tại buổi lễ tổng kết, đại diện các bên cùng khẳng định, Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức sẽ tiếp tục đồng hành trên chặng đường 45 năm hợp tác thành công. Tổng kết dự án này, cả hai quốc gia cùng hướng tới những hợp tác tiếp theo trong tương lai.

Bảo An