Bản tin môi trường số 4/2023

Thứ hai, 30/1/2023 | 10:37 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mừng xuân Quý Mão năm 2023.

Phát động Tết trồng cây mừng xuân Quý Mão năm 2023 trên cả nước

Được biết, Lễ phát động Tết trồng cây năm 2023 phát động trồng 3.000 cây (bao gồm lát hoa, gõ đỏ, re hương, giổi xanh, chò chỉ) với tổng diện tích 3,5ha tại khu di tích K9. Thông qua sự kiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Quốc phòng mong muốn người dân tích cực trồng thêm một cây xanh - gieo thêm một mầm sống; góp phần cổ vũ, lan tỏa nâng cao trách nhiệm, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ tham gia phát động Tết trồng cây

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho đất nước ta ở hiện tại và tương lai.

Để tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Thủ tướng kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, các cháu học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, toàn thể người Việt Nam và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam hãy hăng hái tham gia trồng cây ngay từ những ngày đầu xuân để mùa xuân thực sự là Tết trồng cây, vì một Việt Nam xanh.

Thủ tướng tin tưởng, phong trào Tết trồng cây năm 2023 sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu

Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam” (NAP-GCF).

Dự án đã hoàn thành báo cáo kỹ thuật về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH); đã hỗ trợ xây dựng khung giám sát, báo cáo và đánh giá các hoạt động thích ứng của nhiều bên liên quan, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải và y tế.

Hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam”

Thời gian tới, Việt Nam sẽ gửi Báo cáo NAP tới Công ước khung Liên Hợp Quóc về biến đổi khí hậu, trong đó thể hiện rõ những nỗ lực của Việt Nam cả về tăng cường công tác quản lý và nỗ lực đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Những kết quả của dự án về cơ sở dữ liệu về thích ứng với BĐKH; hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; hệ thống giám sát, đánh giá cấp quốc gia để giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với BĐKH… sẽ giúp các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cụ thể các tác động, rủi ro, tổn thất thiệt hại. Đây là cơ sở để Việt Nam đề xuất và triển khai các hoạt động thích ứng quy mô lớn ở cấp ngành, cấp quốc gia trong giai đoạn tới.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng BĐKH cấp quốc gia, phương pháp đánh giá đối với lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương do BĐKH và giới thiệu phương pháp đánh giá trong lĩnh vực giao thông vận tải; hướng dẫn lồng ghép thích ứng BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, ngành, địa phương cùng cách thức lựa chọn dự án ưu tiên…

Tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong trường học

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022 - 2025.

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh về ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trong trường học để mỗi học sinh vừa là người có ý thức bảo vệ môi trường vừa là một tuyên truyền viên tích cực vận động gia đình, người thân và xã hội chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Qua đó, đẩy mạnh phong trào học sinh Thủ đô thực hiện văn minh đô thị - chung tay làm sạch môi trường.

Tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trong trường học

Để thực hiện được mục tiêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH và triển khai tới tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo các yêu cầu thiết yếu về vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường sư phạm sáng – xanh - sạch - đẹp.

Thực hiện hiệu quả các nội dung giáo dục bảo vệ môi trường ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa cho học sinh (truyền thông về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; truyền thông về tác hại của chất thải nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy đối với môi trường, sức khỏe cộng đồng; tổ chức tuyên truyền bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã; tổ chức thực hành giao lưu trong học sinh thực hiện sống xanh, thực hành điểm trong học sinh về ứng phó với BĐKH...).

Mộc Trà