Bản tin môi trường số 3/2023

Thứ hai, 16/1/2023 | 11:02 GMT+7
Năm 2023, Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới số hóa ngành TN&MT.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tài nguyên môi trường

Năm 2023 và các năm tiếp theo, cùng với chuyển đổi xanh, Bộ TN&MT sẽ tập trung chuyển đổi số. Theo đó, Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường có nhiệm vụ tiếp tục khắc phục một số khó khăn còn tồn đọng, tích cực triển khai hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ, đề án, dự án được giao, phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành Chính phủ điện tử vào công tác quản lý điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của ngành TN&MT.

Cục sẽ chủ động thực hiện chuyển đổi số ngành TN&MT để đạt chỉ tiêu đến năm 2025, ngành TN&MT cơ bản vận hành trên nền tảng số, phương thức làm việc của ngành dựa vào phân tích, xử lý thông minh dữ liệu tổng hợp, đa ngành, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hướng tới số hóa ngành TN&MT

Theo Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường Lê Phú Hà, thời gian tới, Cục sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước bao gồm: triển khai Chính phủ điện tử; chuyển đổi số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành TN&MT.

Trong đó, xây dựng các hệ thống, nền tảng số ứng dụng các công nghệ phân tích, xử lý dữ liệu lớn thông minh, phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, ra quyết định, chuyên môn nghiệp vụ và cung cấp dịch vụ công hiệu quả, minh bạch. Tiếp tục đổi mới nhận thức, nghiên cứu, tiếp thu, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, các thành quả phát triển của khoa học, công nghệ trong hoạt động của Cục; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm hoạt động thường xuyên, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả góp phần phát triển ngành TN&MT…

Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn

Ngành khí tượng thủy văn (KTTV) luôn nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin về thời tiết, thủy văn môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an toàn, sức khỏe cộng đồng.

Cụ thể, trong thời gian tới, Tổng cục KTTV và Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu sẽ duy trì tinh thần kỷ luật, kỷ cương hành chính, giữ vững sự chủ động các phương án trong những tình huống phức tạp nhất, tất cả vì mục tiêu phục vụ hiệu quả sự an toàn của nhân dân; tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ, sát diễn biến các hiện tượng KTTV, đặc biệt là các hiện tượng nguy hiểm, phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn môi trường

Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, khoa học hơn và toàn diện về phân vùng rủi ro thiên tai phù hợp với thực tiễn; các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tiếp tục thực hiện dựa trên tác động để người dân, cộng đồng xã hội nắm bắt kịp thời, dễ hiểu, dễ ứng dụng trong công tác chủ động phòng chống thiên tai của nhân dân. 

Khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực KTTV; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới “Công nghệ 4.0”: internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ khai thác dữ liệu lớn (BigData)...

Đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa hệ thống thông tin chuyên ngành; thu thập và khai thác thông tin từ vệ tinh đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa các diễn biến thời tiết trên phạm vi rộng và dự báo thời tiết, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa; hoàn thiện trang bị mạng lưới ra đa thời tiết để theo dõi, dự báo các hệ thống thời tiết có quy mô nhỏ như: tố, lốc, vòi rồng, mưa đá…

Hợp tác thúc đẩy công tác quản lý tài nguyên nước với cơ quan của Nhật Bản

Mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh đã làm việc với đoàn công tác thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) về hợp tác thúc đẩy công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại Việt Nam.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh tiếp đoàn công tác thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản

Trong cuộc họp, ông Dr. Matsuki Hirotada, Trung tâm Quốc tế về quản lý rủi ro và hiểm họa về nước (ICHARM) cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mới đây đã công bố Sáng kiến Kumamoto tại Hội nghị Thượng đỉnh về nước châu Á - Thái Bình Dương (APWS) lần thứ 4. Sáng kiến “Kumamoto vì nước” nhằm thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng bao gồm đập, hệ thống thoát nước và cơ sở nông nghiệp, từ đó giảm thiểu tác động rủi ro liên quan đến nước. Nhằm thúc đẩy triển khai sáng kiến, Nhật Bản sẽ viện trợ 500 tỷ yên (gần 4 tỷ USD) cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 5 năm tới. Phía Nhật Bản mong muốn có cơ hội được hợp tác với Việt Nam thông qua Bộ TN&MT.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, ông Tokioka Toshikazu, đại diện MLIT đã giới thiệu ý tưởng về quan hệ đối tác ba bên giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, MLIT và ICHARM (Nhật Bản) và Công binh Lục quân Hoa Kỳ trong lĩnh vực nước. Cụ thể là quản lý tài nguyên nước, cảnh báo sớm, quan trắc thủy văn và quản lý dữ liệu liên quan đến nước ứng phó với lũ lụt và sạt lở đất…

Ngọc Huyền