Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn

Thứ năm, 12/1/2023 | 08:57 GMT+7
Ngành khí tượng thủy văn (KTTV) luôn nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin về thời tiết, thủy văn môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an toàn, sức khỏe cộng đồng.

Cụ thể, trong thời gian tới, Tổng cục KTTV và Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu sẽ duy trì tinh thần kỷ luật, kỷ cương hành chính, giữ vững sự chủ động các phương án trong những tình huống phức tạp nhất, tất cả vì mục tiêu phục vụ hiệu quả sự an toàn của nhân dân; tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ, sát diễn biến các hiện tượng KTTV, đặc biệt là các hiện tượng nguy hiểm, phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra.

Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức tham vấn các chuyên gia đầu ngành để đưa ra những cảnh báo, dự báo sớm nhất, chính xác nhất phục vụ cộng đồng. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, khoa học hơn và toàn diện về phân vùng rủi ro thiên tai phù hợp với thực tiễn; các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tiếp tục thực hiện dựa trên tác động để người dân, cộng đồng xã hội nắm bắt kịp thời, dễ hiểu, dễ ứng dụng trong công tác chủ động phòng chống thiên tai của nhân dân.  

Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn môi trường

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực KTTV; sớm hoàn thành Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng yêu cầu chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Rà soát mạng lưới, hệ thống thông tin, dữ liệu để bảo đảm hoạt động thông suốt của toàn hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ cho mùa mưa bão năm 2023.

Khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực KTTV; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới “Công nghệ 4.0”: internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ khai thác dữ liệu lớn (BigData)...

Đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa hệ thống thông tin chuyên ngành; thu thập và khai thác thông tin từ vệ tinh đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa các diễn biến thời tiết trên phạm vi rộng và dự báo thời tiết, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa; hoàn thiện trang bị mạng lưới ra đa thời tiết để theo dõi, dự báo các hệ thống thời tiết có quy mô nhỏ như: tố, lốc, vòi rồng, mưa đá… Nhanh chóng có biện pháp, giải pháp đánh giá chi tiết các tiềm năng năng lượng tái tạo phục vụ phát triển, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (net zero) mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, các đơn vị cần nỗ lực nâng cao vị thế của Việt Nam trên cộng đồng khí tượng thế giới. Trong đó, cần tăng cường phối hợp với cơ quan, Bộ, ngành để chủ động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông KTTV với các Bộ, ban ngành, cơ quan, địa phương và cộng đồng để chủ động nắm bắt kịp thời các bản tin, thông tin dự báo, cảnh báo.

Tổng cục KTTV có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, tổ chức; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm cho các đơn vị đi vào hoạt động ổn định ngay sau khi chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có hiệu lực thi hành; bảo đảm việc sáp nhập, kiện toàn, tiếp nhận không ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, nhất là công tác phục vụ phòng, chống thiên tai.

Lâm Bảo