Bản tin môi trường số 5/2021

Thứ hai, 26/7/2021 | 09:56 GMT+7
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các địa phương chủ động rà soát phương án ứng phó cụ thể với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn trong bối cảnh dịch bệnh; đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người dân và lực lượng tham gia phòng chống.

Lên phương án ứng phó với tình huống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19

Việc hướng dẫn cho các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có ý nghĩa quan trọng, giúp các địa phương rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, vừa đảm bảo mục tiêu chống dịch. Từ đó, giúp các địa phương chủ động xây dựng được kế hoạch, phương án ứng phó với từng kịch bản thiên tai phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Công tác sơ tán dân để phòng, chống thiên tai phải đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19

Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai việc rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt cần rà soát phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh An, quyền Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và quản trị, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu đã trở thành gánh nặng kép làm trầm trọng hơn tác động của Covid-19 đối với các hộ gia đình, đặc biệt hộ gia đình có trẻ em thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương. Trong đó, hạn hán nghiêm trọng và xâm nhập mặn tại 13 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu nước sạch cho hầu hết các nhóm người yếu thế với gần 100.000 hộ gia đình thiếu nước uống và nước sinh hoạt an toàn trong đợt hạn hán năm 2020; 1/3 trường học tại những khu vực này không có nước sạch. Tất cả những yếu tố này ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề vệ sinh của các hộ gia đình và trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp.

Trong buổi làm việc, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã đưa ra một số hướng dẫn để các địa phương tham khảo khi vừa tiến hành phòng chống thiên tai vừa phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, trong công tác chuẩn bị khu sơ tán, cần xác định nhu cầu sơ tán về số hộ, số người để tiến hành bố trí. Lựa chọn các công trình có sức chống chịu với thiên tai, đủ diện tích giãn cách theo quy định phòng, chống dịch Covid-19, công trình phụ… thuận tiện cho việc chăm sóc các đối tượng yếu thế và công tác tiếp tế.

Hà Nội sẽ đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 5,7 triệu xe máy (khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 xe ô tô (chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh) thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Khí thải từ các phương tiện, đặc biệt là phương tiện cũ nát và các chất khác gia tăng theo thời gian, ngày càng vượt quá giới hạn cho phép. Các chất ô nhiễm ảnh hưởng tới chất lượng môi trường không khí đô thị, đồng thời tác động trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng dân cư trên địa bàn Hà Nội.

Xe mô tô, xe gắn máy cũ thải một lượng lớn khí thải độc hại ra môi trường

Theo đó, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND về việc thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Để hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường từ các phương tiện giao thông, trong giai đoạn 2021 - 2022, thành phố sẽ tiến hành đo kiểm khí thải từ các xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố; điều tra, thu thập thông tin liên quan thông qua bảng hỏi, phỏng vấn; xác định và thí điểm các giải pháp ưu tiên về kiểm soát khí thải giao thông đối với xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành tại một số khu vực nhằm cải thiện môi trường không khí.

Thành phố cũng sẽ tổ chức tham vấn với chính quyền cấp huyện; các nhóm cộng đồng và dân cư về vấn đề kiểm soát khí thải giao thông đối với xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành liên quan đến ô nhiễm môi trường; lập báo cáo trình các cấp, bao gồm khuyến nghị chính sách và một số giải pháp phù hợp với thành phố về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Sử dụng công nghệ viễn thám để quản lý rác thải trên toàn quốc

Cục Viễn thám quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Cục đang triển khai xây dựng dự án “Giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc bằng công nghệ viễn thám”. Dự án được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu ích nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn ở Trung ương và địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống dữ liệu thông tin của Tổng cục Môi trường.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, ở Việt Nam hiện có 660 bãi chôn lấp tiếp nhận khoảng 20.200 tấn rác thải mỗi ngày. Tuy nhiên chỉ có 30% được xếp loại là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, có lớp che phủ hàng ngày trên rác thải. Mặt khác, hầu hết các bãi chôn lấp không có máy đầm nén; hệ thống thu gom khí, xử lý nước rỉ rác; hệ thống quan trắc môi trường; quá trình vận hành, quản lý còn kém, dẫn đến nhiều vấn đề rủi ro về môi trường và sức khỏe người dân, đặc biệt ở những vùng có mức phát sinh chất thải lớn và mật độ dân số cao.

Quản lý chất thải rắn từ trên cao

Xuất phát từ nhu cầu trên, Cục Viễn thám quốc gia triển khai xây dựng dự án “Giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc bằng công nghệ viễn thám”. Dự án được kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp hữu ích nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn ở Trung ương và địa phương cũng như cập nhật, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin chất thải rắn của Tổng cục Môi trường.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, công nghệ viễn thám có tính đa thời gian, độ phủ rộng, độ phân giải không gian tốt sẽ là công cụ hữu hiệu để giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc. Với đặc thù của công nghệ viễn thám là có các dữ liệu lịch sử do đó thông tin các bãi rác sẽ được cung cấp từ khi hình thành, quá trình hoạt động trong quá khứ cũng như hiện tại.

Hơn nữa, dữ liệu ảnh SPOT6/7 phủ trùm toàn quốc cho phép cung cấp rất nhiều thông tin giá trị phục vụ công tác quản lý chất thải như: vị trí bãi rác, bãi tập kết rác thải, biến động, trạng thái về diện tích của bãi rác, các bãi chôn lấp, các công trình trong bãi rác và lớp phủ các khu vực lân cận trong tầm ảnh hưởng môi trường của bãi rác; thông tin về hiện trạng của các khu vực nhạy cảm với môi trường như các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề; giám sát thực hiện quy hoạch bãi rác, bãi chôn lấp chất thải rắn nhằm cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý chất thải rắn của quốc gia và địa phương bằng công nghệ viễn thám tại khu vực dân cư, đô thị.

Thanh Tâm