Bản tin môi trường số 7/2022

Thứ hai, 28/2/2022 | 15:09 GMT+7
Mới đây, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố báo cáo về tác động đáng báo động cùng quy mô ô nhiễm nhựa đối với các loài và hệ sinh thái đại dương trên toàn thế giới.

WWF cảnh báo hiểm họa từ ô nhiễm nhựa đại dương

Theo báo cáo “Tác động của ô nhiễm nhựa đại dương đối với các loài sinh vật biển, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái” do WWF ủy thác cho Trung tâm Nghiên cứu biển và địa cực Helmholtz thuộc Viện Alfred Wegener thực hiện, các tác động tiêu cực do ô nhiễm nhựa được phát hiện ở hầu hết các nhóm loài của một số hệ sinh thái biển quan trọng nhất trên thế giới như rạn san hô và rừng ngập mặn.

Ô nhiễm nhựa đại dương trở thành hiểm họa đối với hệ sinh thái biển và các loại sinh vật

Báo cáo cảnh báo rằng đến cuối thế kỷ này, các khu vực đại dương có diện tích gấp 2,5 lần khu vực Greenland (Đan Mạch) có thể vượt quá ngưỡng nguy hiểm về mặt sinh thái của nồng độ hạt vi nhựa, vì lượng hạt vi nhựa trong đại dương có thể tăng gấp 50 lần vào thời điểm đó. Điều này dựa trên dự đoán rằng sản lượng nhựa dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040, dẫn đến các mảnh rác vụn nhựa trong đại dương sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2050.

Heike Vesper, Giám đốc Chương trình Đại dương, WWF Đức cho biết: Tất cả các bằng chứng đều cho thấy việc ô nhiễm nhựa trong đại dương là không thể phục hồi được. Khi chất thải nhựa vào đại dương, nó phân hủy qua thời gian, tạo ra hạt vi nhựa và hạt nhựa nano, gây gia tăng nồng độ vi nhựa trong nhiều thập kỷ. Do đó, việc hướng tới giải quyết các nguyên nhân gốc rễ gây ra ô nhiễm nhựa có hiệu quả cao hơn nhiều so với các nỗ lực làm sạch đại dương. Nếu các Chính phủ, ngành công nghiệp và xã hội cùng hành động ngay bây giờ, chúng ta vẫn còn có thể hạn chế được cuộc khủng hoảng nhựa.

Mối đe dọa ô nhiễm hạt vi nhựa ngày càng lan rộng và ngày càng gia tăng này đối với sự sống đại dương chỉ có thể được giải quyết bằng một giải pháp hiệu quả mang tính toàn cầu và hệ thống nếu các quốc gia đồng lòng cho một quyết định tại Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA 5.2).

Chủ tịch nước tiếp Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ

Ngày 23/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ tại Phủ Chủ tịch.

Trên cương vị là Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, ông John Kerry cho biết sẽ cùng Việt Nam tăng cường hợp tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27). Ông cũng trao đổi về thực trạng nước biển ngày càng dâng cao và ảnh hưởng rất lớn tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long và những vùng trũng của Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry

Tại buổi gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực, đóng góp của Đặc phái viên John Kerry trong tăng cường quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực trong vấn đề biến đổi khí hậu. Do đó, điều Việt Nam cần không chỉ là nguồn lực tài chính mà cả công nghệ và nhân lực để phát triển các dự án điện gió, mặt trời và thủy điện, vì vậy mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân, Chủ tịch nước đề nghị Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn nữa tới vấn đề hạ nguồn sông Mê Kông.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với WEF về khí hậu và kinh tế tuần hoàn

Ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với đoàn công tác của tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tại buổi làm việc, ông Joo-Ok Lee, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thành viên Ban điều hành WEF bày tỏ sự ấn tượng với kết quả của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng về các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rác thải nhựa và chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với đoàn công tác của tổ chức WEF

Trao đổi với ông Joo-Ok Lee, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận những hỗ trợ và quan hệ hợp tác của WEF đối với Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng. Trong thời gian tới, bên cạnh các hoạt động hợp tác bằng các chính sách, cam kết, Bộ trưởng mong muốn WEF phát huy vai  trò trong việc thúc đẩy các nước phát triển sẵn sàng chia sẻ những nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, kinh nghiệm... cho các nước đang phát triển.

Bộ trưởng nhận định, mối hợp tác này là công bằng, hai bên đều có lợi và vì mục tiêu chung trong việc giải quyết các vấn đề như giảm phát thải, trung hòa carbon, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế tuần hoàn…

Về phần Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết sẽ tiếp tục triển khai một số hoạt động như thúc đẩy hợp tác để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, bao gồm rác thải nhựa biển, đại dương thông qua Kế hoạch hành động quốc gia đã được phê duyệt; phối hợp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững và thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), đặc biệt là xây dựng các chính sách và chương trình hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn…

Lâm Bảo