Hợp tác công tư trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam

Thứ ba, 1/3/2022 | 15:41 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số đơn vị liên quan vừa tổ chức hội thảo trực tuyến “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam”.

Hội thảo nhằm tổng kết đánh giá các kết quả hợp tác giữa các bên sau 2 năm ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác công – tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam (gọi là hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa). Từ đó đề ra những nhiệm vụ trọng tâm lớn cần thực hiện trong thời gian tới, góp phần thiết thực vào Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đánh giá, việc thành lập và phát triển nhóm hợp tác công – tư tạo ra sức mạnh tổng hợp, thiết lập một mô hình hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay tại Việt Nam.

Theo báo cáo tại hội thảo, lượng rác thải nhựa quá cao gây ra gánh nặng với môi trường, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển và có hệ thống quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện như Việt Nam. Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trở thành 1 trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.

Hội thảo trực tuyến “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam”

Do đó, với biên bản ghi nhớ về hợp tác công – tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, các bên tham gia đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực bám sát 4 nhiệm vụ trọng tâm và đạt được những thành quả tích cực.

Cụ thể, các thành viên của hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa đã hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ triển khai thiết lập và thực hiện các dự án phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa; đến nay đã phân loại và thu gom được hơn 9.000 tấn rác tái chế, trong đó có 6.520 tấn rác thải nhựa. Các dự án đồng thời trực tiếp hỗ trợ hơn 1.200 lao động là đối tượng lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật, giúp họ tăng cường đảm bảo vệ sinh và an toàn trong quá trình thu gom, tạo thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.

Hoạt động phân loại, thu gom rác thải nhựa được tuyên truyền trực tiếp đến 18 phường xã, 41.400 hộ gia đình tại Hà Nội. Các hoạt động giáo dục học sinh và hướng dẫn thu gom rác thải được tiến hành tại 32 trường học, tiếp cận hơn 15.000 học sinh tại Hà Nội và hơn 1.300 học sinh tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Hơn 50 cơ quan bộ ngành cũng tích cực truyền thông và lan tỏa cho dự án, bằng việc sử dụng 1.700 thùng rác đặc biệt sản xuất từ 30 tấn rác thải nhựa tái chế, có chức năng phân loại rác tại nguồn. Tính chung, các dự án đạt hơn 12 triệu lượt tiếp cận thông qua các chiến dịch truyền thông đại chúng.

Thông qua hợp tác, các công nghệ và giải pháp khoa học từ các quốc gia tiên tiến liên tục được nghiên cứu và ứng dụng, với mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất bao bì và hạt nhựa tái chế ở Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả công tác thu gom, tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam

Từ kết quả tích cực thu được trong hai năm vừa qua, các thành viên trong hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa đặt mục tiêu hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường đến năm 2025. Để đạt được mục tiêu trên, các bên cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục nhằm thay đổi thói quen, khuyến khích hành động của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn trên quy mô toàn quốc; hỗ trợ phổ biến rộng rãi các quy định và luật trong quản lý và phân loại rác thải tại nguồn; phổ cập chuẩn hóa mô hình phân loại rác tại nguồn trên quy mô toàn quốc.

Trong lộ trình 2022 – 2025, các thành viên đặt ra mục tiêu nghiên cứu, áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là rác có giá trị thấp, từ đó nâng cao kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam. Bao gồm: áp dụng công nghệ tiên tiến, kết hợp với các đối tác trong chuỗi giá trị để thiết kế và sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa có thể tái sử dụng hoặc tái chế; tăng cường, thúc đẩy hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa tái chế như triển khai các dự án: đường nhựa tái chế; gạch, ngói sinh thái từ rác thải nhựa có giá trị thấp; hạt nhựa tái chế; năng lượng từ chất thải, biến chất thải nhựa thành RDF; bao bì tái chế…

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam nhấn mạnh: “Hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa là giải pháp cấp thiết và mang tính thực tiễn cao trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường. Từ đó góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). Chúng tôi mong muốn khối hợp tác sẽ không chỉ dừng lại ở những đơn vị sáng lập, mà sẽ ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia của thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp có cùng tầm nhìn để cùng tạo nên sức mạnh tổng hòa công – tư và đạt được những kết quả có sức ảnh hưởng sâu và rộng trong toàn xã hội”.

Ngày 19/2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), Tập đoàn SCG và Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam đề xuất sáng kiến hợp tác công – tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa nhằm mục tiêu đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn và quản lý vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, thông qua chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc.
Thanh Tâm