Bản tin môi trường số 8/2023

Thứ hai, 27/2/2023 | 10:37 GMT+7
Mới đây, tại cuộc họp báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo nhiều nhiệm vụ cấp thiết cần triển khai trong thời gian tới.

Họp bàn xây dựng quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia

Hồ sơ quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia bao gồm chương trình quan trắc chất lượng môi trường tại các lưu vực sông và hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn tác động liên tỉnh, quan trắc môi trường xuyên biên giới để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo môi trường phục vụ công tác quản lý.

Phạm vi quy hoạch được thực hiện trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Mạng lưới quan trắc gồm: quan trắc chất lượng không khí, quan trắc chất lượng nước mặt, quan trắc chất lượng nước cửa sông, quan trắc chất lượng nước biển ven bờ, quan trắc chất lượng nước biển xa bờ, quan trắc mưa axit, quan trắc đa dạng sinh học, quan trắc nước dưới đất.

Họp báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Để hoạt động được đi vào thực tế, tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo quy hoạch trước khi gửi lấy ý kiến rộng rãi. Các nội dung của quy hoạch phải bám sát đề cương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch quốc gia về bảo vệ môi trường và các luật có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cần phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong xác định nội dung về quan trắc đa dạng sinh học để bổ sung vào nội dung mạng lưới quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia.

Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải đến năm 2030

Ngày 23/2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 146/QĐ-TTg về Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030.

Kế hoạch được ban hành với mục tiêu đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải. Đồng thời, vận dụng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.

Ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030

Theo kế hoạch, có 4 tình huống cơ bản về sự cố chất thải được dự báo sẽ xảy ra gồm sự cố chất thải rắn thông thường (chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp...); sự cố chất thải rắn nguy hại (chất thải y tế nguy hại dạng rắn, chất thải nguy hại dạng rắn); sự cố chất thải lỏng (bùn thải, nước thải); sự cố chất thải khí (khí thải).

Do đó, kế hoạch nêu một số biện pháp phòng ngừa sự cố như: kiện toàn tổ chức chỉ đạo, chỉ huy đi đôi với kiện toàn lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng ngừa ứng phó, khắc phục sự cố chất thải. Rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các khu công nghiệp, chế xuất, nhà máy, làng nghề... vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải. Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, thông báo, báo động sự cố từ Trung ương đến địa phương…

Đẩy mạnh truyền thông về tài nguyên và môi trường năm 2023

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành công văn số 576/BTNMT-VP gửi các đơn vị trực thuộc về việc đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên và môi trường năm 2023.

Công văn nêu rõ, năm 2023, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục đặt trọng tâm là năm “Chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả”, đặc biệt là phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực từ tài nguyên và môi trường kiến tạo cho tương lai bền vững.

Tuyền truyền, truyền thông quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Theo đó, công tác tuyên truyền, truyền thông cần được quan tâm, đổi mới, thiết thực và hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền, truyền thông kịp thời các chủ đề, nội dung, nhiệm vụ, hoạt động nổi bật của ngành; cũng như chủ động tiếp nhận thông tin phản hồi, phản biện của người dân, cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất xử lý kịp thời, hiệu quả đối với nội dung liên quan trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường nội dung thông tin đối ngoại và hội nhập quốc tế chủ đề tài nguyên và môi trường.

Nội dung trọng tâm cần tuyên truyền, truyền thông năm 2023 cũng cần tập trung vào tăng cường điều tra địa chất phục vụ cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên khoáng sản; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra cơ bản về địa chất và công nghiệp khai khoáng.

Mỹ Dung