Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 10/2021

Thứ hai, 22/3/2021 | 09:12 GMT+7
Bộ Công Thương khẳng định việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện.

Việc cắt giảm các nhà máy NLTT là tình huống bắt buộc

Theo đó, tại văn bản số 1226/BCT-ĐTĐL ngày 9/3/2021 gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, Bộ Công Thương khẳng định việc cắt giảm các nhà máy NLTT là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, việc phát triển nguồn NLTT, đặc biệt là điện mặt trời ở nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả nguồn NLTT có nhiều tiềm năng ở nước ta.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn NLTT tập trung tại một số khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm, tình huống cụ thể. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng thấp dẫn tới trong một số tình huống trong thời gian thấp điểm của hệ thống như các dịp lễ, tết, ngày cuối tuần hoặc thấp điểm trưa hàng ngày hệ thống điện dư thừa công suất phát so với phụ tải tiêu thụ.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, đây là các tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao (thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn bộ hệ thống điện quốc gia) nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.

Mặc dù Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống đến giới hạn kỹ thuật với cấu hình tối thiểu nhưng hệ thống điện vẫn dư thừa công suất. Do đó, A0 bắt buộc phải cắt giảm tiếp các nguồn NLTT để đảm bảo giữ tần số hệ thống điện trong giới hạn kỹ thuật cho phép, tránh sụp đổ hệ thống điện, gây tổn thất nghiêm trọng tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh tế và đời sống nhân dân trên cả nước.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và A0. Trong đó yêu cầu EVN và A0 tính toán và công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, chỉ huy thực hiện, phù hợp với cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết… tại thời điểm phải điều tiết giảm, tuân thủ theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, thực hiện đồng đều giữa các loại hình, không phân biệt đó là các loại hình nguồn điện phải có giấy phép hoạt động điện lực hay được miễn trừ. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng ban hành Quyết định 478/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 về việc dịch chuyển giờ phát cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ nhằm tối ưu huy động các nguồn NLTT trong hệ thống điện.

Bộ Công Thương cho rằng việc cắt giảm các nhà máy NLTT là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện, việc tiết giảm được EVN/A0 tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch nhiều công trình lưới điện truyền tải nhằm tăng cường, đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT. Đồng thời Bộ Công Thương đã chỉ đạo, đôn đốc và thường xuyên giám sát EVN và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình lưới điện nhằm đảm bảo giải tỏa công suất của các nguồn NLTT, hạn chế tối đa việc cắt giảm các nguồn NLTT, góp phần khai thác hiệu quả nguồn NLTT, đảm bảo lợi ích và niềm tin của nhà đầu tư.

Tăng cường vai trò của báo chí trong thúc đẩy năng lượng bền vững

Mới đây, hội thảo khởi động khóa tập huấn “Tăng cường vai trò của báo chí trong thúc đẩy năng lượng bền vững” diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức bởi dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU (EVEF) và Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị (CRUS) trong khuôn khổ gói hỗ trợ kỹ thuật thuộc tiểu hợp phần 1B của dự án EVEF. 27 phóng viên, nhà báo từ các cơ quan báo chí trên cả nước đã được lựa chọn để tham gia khóa tập huấn này.

Dự kiến chương trình bao gồm 3 đợt tập huấn kết hợp tham quan thực địa tại Hà Nội, TPHCM và Ninh Thuận nhằm hỗ trợ tăng cường kiến thức, năng lực của các nhà báo trong việc đưa tin về những vấn đề liên quan tới NLTT và hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức 2 hội thảo trực tuyến với mục tiêu kết nối nhà báo Việt Nam với các nhà báo và kênh truyền thông quốc tế để cùng thảo luận về những thuận lợi, khó khăn khi đưa tin về chủ đề năng lượng. Xuyên suốt chương trình, các phóng viên, nhà báo sẽ cùng nghiên cứu, trao đổi về các vấn đề kỹ thuật, chính sách và xã hội của NLTT và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam. 

Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án EVEF cho biết: “Dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU rất vui được hợp tác với CRUS triển khai hoạt động ý nghĩa này tới các phóng viên, nhà báo tại Việt Nam. Sau khóa đào tạo này, chúng tôi hy vọng rằng các nhà báo của chúng tôi sẽ có được những kỹ năng và kiến thức quý báu, giúp họ trở thành kênh thông tin đáng tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách năng lượng, các cơ quan chính phủ cũng như công chúng”.

“Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị CRUS hy vọng khóa tập huấn sẽ là cơ hội cho các nhà báo đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng cũng như các lĩnh vực liên quan nâng cao kiến thức, năng lực, chủ động đưa tin đầy đủ và sâu sắc về các hoạt động, các dự án NLTT đang ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ trên cả nước”, ông Phạm Trần Hải, đại diện CRUS phát biểu. 

Các đại biểu và nhà báo tại hội thảo. (Ảnh: GIZ)

Dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) triển khai dưới sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương. Dự án hướng tới góp phần tăng cường sự quản lý nhà nước trong ngành năng lượng nhằm thúc đẩy một bước tiến sang lộ trình phát triển năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam. Dự án này cũng sẽ góp phần thực hiện khung pháp lý cần thiết để Việt Nam đạt được các cam kết của mình đối với việc giảm phát thải khí nhà kính có liên quan đến các hoạt động năng lượng trong bối cảnh các Đóng góp do Quốc gia Tự quyết định của Việt Nam (NDCs).

Ký hợp đồng tín dụng cho dự án điện gió AMACCAO Quảng Trị 1

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1 mới đây đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo đó, Tập đoàn AMACCAO cùng Ngân hàng BIDV đã ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1. 

Dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1 có công suất 49,2 MW với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án được triển khai tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dự án được khởi công từ quý I/2021.

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1 

Theo đại diện Tập đoàn AMACCAO, sự kịp thời của hợp đồng tín dụng này giúp đảm bảo tiến độ của dự án Nhà máy điện gió Quảng Trị 1 có thể triển khai khẩn trương hơn. Hiện dự án đã và đang triển khai các công tác thi công, đặt hàng thiết bị, vật tư và giải phóng mặt bằng đồng thời trên tất các các vị trí ở hiện trường bằng nguồn vốn tự có của chủ đầu tư. Có được nguồn vốn tài trợ dự án của BIDV, AMACCAO sẽ tiếp tục thúc đẩy nhanh tối đa tiến độ dự án để kịp đóng điện với thời hạn 31/12/2021. Dự án thành công sẽ góp phần phát triển nguồn điện lưới quốc gia, đem lại công ăn việc làm cho người dân địa phương, nộp ngân sách cho tỉnh Quảng Trị và đem lại lợi nhuận cho chủ đầu tư cũng như cho BIDV.

Ngân Hà