Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 8/2021

Thứ hai, 8/3/2021 | 08:41 GMT+7
Hội nghị Tuần lễ năng lượng châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Kiến tạo năng lượng tương lai” sẽ được tổ chức trực tuyến từ ngày 9 - 10/3.

Chuẩn bị diễn ra Hội nghị Tuần lễ năng lượng châu Á - Thái Bình Dương

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt với những vấn đề như quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, dân số tăng cao và nhu cầu năng lượng ngày càng lớn. Chỉ riêng khu vực này, nhu cầu năng lượng dự kiến tăng từ 12,327 TWh năm 2018 lên đến 22,245 TWh vào năm 2040. Với những tác động lâu dài do dịch COVID-19 và hiện tượng biến đổi khí hậu đang được cảm nhận rất rõ rệt hiện nay thì thay đổi cơ bản trong hệ thống điện năng dù sớm hay muộn cũng phải được thực hiện.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chiếm hơn một nửa mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu và 10% dân số vẫn trong tình trạng thiếu điện cơ bản. Chính vì vậy, hội nghị trực tuyến này là một sự kiện quan trọng và là động lực để ngành năng lượng tập trung và tiến tới hợp tác cho một tương lai phát triển bền vững, hiệu quả, giá thành hợp lý, dễ dàng tiếp cận phục vụ Mục tiêu phát triển bền vững số 7 của Liên Hợp Quốc.

Ảnh minh họa

Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia trong ngành điện và năng lượng, các bên liên quan của Chính phủ và hàng nghìn khách hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cùng tham dự những đối thoại, kế hoạch hành động quan trọng liên quan đến chuyển đổi năng lượng, sự thay đổi bức tranh năng lượng, thách thức và cơ hội phía trước cũng như sự cân bằng giữa nhu cầu về năng lượng với việc phát thải carbon bằng 0 và biến đổi khí hậu.

Hội nghị gồm 7 phiên thảo luận sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến tài chính cho các dự án năng lượng bền vững, tích hợp năng lượng tái tạo vào các lưới điện, tích hợp số hóa, khử carbon trong các ngành công nghiệp và sử dụng hydro xanh.

Dự kiến các phiên thảo luận với nhiều chủ đề được chia sẻ bởi những diễn giả uy tín thế giới gồm bộ trưởng các nước, các tổng giám đốc, lãnh đạo các ngành tài chính và năng lượng...

Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo năm 2021

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 1/3/2021 về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố năm 2021. Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà tăng thêm khoảng 15MWp (bình quân 0,5 MWp/quận, huyện, thị xã) và phát triển nguồn năng lượng tái tạo (từ điện rác) khoảng 75MW trong năm 2021.

UBND thành phố sẽ triển khai thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp để đạt được mục tiêu nói trên. Theo đó, thành phố sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng hiểu rõ lợi ích, sự cần thiết về phát triển các dự án điện rác, điện mặt trời. Bên cạnh đó, tập trung lựa chọn công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng hiện đại, hiệu suất cao để phát điện tại các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn…

UBND thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu ban hành, áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời

UBND thành phố cũng sẽ nghiên cứu ban hành, áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng quy định việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan, ban, ngành, UBND các cấp, trạm y tế, trường học... để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đầu tư, phát triển các dự án điện mặt trời, điện rác. Qua đó tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp, hội thảo khoa học, nghiên cứu xây dựng phòng thử nghiệm hợp chuẩn…

Ký hợp đồng dịch vụ vận hành và bảo trì Nhà máy điện gió Tân Thuận

Mới đây, Lễ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ vận hành và bảo trì Nhà máy điện gió Tân Thuận diễn ra tại TPHCM. Theo đó, Trung tâm quản lý vận hành Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2POM) đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý và vận hành cho Nhà máy điện gió Tân Thuận với Công ty CP Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC). 

Đối với dự án này, PECC2POM sẽ áp dụng công nghệ vận hành từ xa thông qua trung tâm điều khiển từ xa (OCC) nhằm tối ưu hóa công tác vận hành và tiết kiệm chi phí.

Lễ ký hợp đồng dịch vụ vận hành và bảo trì Nhà máy điện gió Tân Thuận

Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận được xây dựng trên khu vực biển có diện tích hơn 2.000 ha thuộc xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Dự án có tổng công suất 75MW gồm 18 trụ tuabin gió với công suất mỗi tuabin 4,15MW, dự kiến bổ sung cho hệ thống điện sản lượng khoảng 220 triệu kWh/năm. Nhà máy điện gió Tân Thuận được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương huyện Đầm Dơi nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung, tạo công ăn việc làm và nguồn thu ổn định cho ngân sách trong những năm tiếp theo. Đây là dự án nhà máy điện gió đầu tiên PECC2 đóng vai trò quản lý vận hành và bảo trì.

Ngân Hà