Bản tin năng lượng số 12/2020

Thứ hai, 30/3/2020 | 20:04 GMT+7
Dù không tổ chức các sự kiện hưởng ứng sôi nổi như những năm trước nhưng chiến dịch Giờ Trái đất 2020 vẫn được đông đảo người dân, doanh nghiệp tham gia. Trong một giờ tắt đèn (từ 20h30’ - 21h30’ ngày 28/3), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 436.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 812,9 triệu đồng).

Cả nước tiết kiệm được 436.000 kWh trong một giờ tắt đèn

Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020 do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Với chủ đề “Mất đa dạng sinh học”, Giờ Trái đất 2020 báo động về tình trạng suy kiệt các nguồn tài nguyên, thay đổi các môi trường sống trên trái đất đã gây ra sự mất đa dạng sinh học trên diện rộng, do sự tiêu dùng gia tăng chưa từng có, dẫn đến gia tăng đột biến nhu cầu sử dụng năng lượng, đất, nước...

Giờ Trái đất 2020 kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng hành động để góp phần thúc đẩy những sáng kiến thay đổi hành vi tiêu dùng như tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng đồ nhựa, nói không với tiêu thụ động vật hoang dã... chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc thực thi tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam đã được cụ thể hóa bằng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các chương trình mục tiêu quốc gia về thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tháng 2/2020, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc ưu tiên khai thác, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Trên tinh thần tích cực hưởng ứng Giờ Trái đất 2020 với mục tiêu đổi mới công tác tuyên truyền vận động hưởng ứng chiến dịch theo hướng sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đã thực hiện tuyên truyền về tiết kiệm điện và hưởng ứng chiến dịch thông qua các thông tin, hình ảnh, video clip... trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các đơn vị. Bên cạnh đó, các tổng công ty điện lực, công ty điện lực các tỉnh, thành phố còn đồng thời triển khai thực hiện: tuyên truyền các nội dung về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở của các đơn vị trong cả tháng 3/2020; đồng thời vận động các tổ chức, cơ quan và khách hàng thực hiện tắt đèn cùng các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất.

Qua theo dõi và tổng hợp số liệu, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết: Sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2020 (từ 20h30’ - 21h30’ ngày 28/3), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 436.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 812,9 triệu đồng).

Nghiên cứu đề xuất về các dự án điện gió của Sóc Trăng

Tại cuộc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Sóc Trăng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan và địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu, đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp để khai thác tốt tiềm năng năng lượng tái tạo của tỉnh này, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cụ thể, về đề nghị của lãnh đạo địa phương trong việc hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió, điện mặt trời, Thủ tướng cho biết Chính phủ ghi nhận ý kiến nghị của địa phương và giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép kéo dài thời gian hưởng ưu đãi giá mua điện theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam

Thủ tướng giao Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của địa phương trong việc điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch đối với 20 dự án điện gió công suất khoảng 1.800 MW của tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, Bộ Công Thương nghiên cứu khả năng đấu nối nguồn điện gió ngoài khơi vào đường dây 500kV vì khi tiến hành xây dựng tuyến truyền tải Long Phú - Ô Môn chúng ta chưa tính toán đến việc giải toả công suất cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần thực hiện xã hội hoá trong công tác đầu tư các dự án nguồn và hệ thống truyền tải theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Tuy nhiên, địa phương cần chủ động lập hồ sơ thuyết minh, đề xuất cụ thể về quy mô, công suất đấu nối gửi Bộ Công Thương để nghiên cứu, xem xét quyết định, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ để có hướng giải quyết hiệu quả.

Về đề nghị của tỉnh Sóc Trăng cho phép điều chỉnh dự án dự án nông nghiệp công nghệ cao thành dự án điện mặt trời kết hợp nông nghiệp tại địa phương, Thủ tướng nhắc lại nội dung này đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo do đó, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường thực hiện hướng dẫn tỉnh Sóc Trăng thực hiện việc điều chỉnh dự án theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch điện lực, đầu tư, đất đai.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, hiện Bộ Công Thương đã đề xuất thành lập tổ công tác chung về dự án dự án nhiệt điện Long Phú 1. Thủ tướng cho biết hiện nay Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng phê duyệt quyết định thành lập tổ công tác liên ngành để rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của dự án này. Các Bộ: Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Ngoại giao và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ, khẩn trương có ý kiến chính thức để thúc đẩy nhanh tiến độ của dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.

Về đề nghị chuyển nhiên liệu từ than sang khí hoá lỏng của dự án Nhiệt điện Long Phú 2, Thủ tướng cho biết, không chỉ có dự án này mà trong thời gian qua một số dự án ở các địa phương cũng đã có đề nghị do đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương rà soát tổng thể quy hoạch điện VII và tổng hợp đề xuất của các địa phương để xem xét, trình Chính phủ bổ sung tại quy hoạch điện VIII.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá lại các dự án và sẽ sớm có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Không tăng giá điện trong quý I và quý II năm nay

Bộ Công Thương yêu cầu EVN giữ ổn định giá điện, không thực hiện điều chỉnh tăng giá điện trong quý I và quý II năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Chỉ thị số 06/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương, Bộ Công Thương yêu cầu EVN thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Giữ ổn định giá điện, không thực hiện điều chỉnh tăng giá điện trong quý I và quý II năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ về tổ chức, quản lý, kiểm soát tiết kiệm chi phí và áp dụng các giải pháp để giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí thường xuyên để giảm giá thành sản xuất.

Ảnh minh họa

Thực hiện tính toán cập nhật giá điện năm 2020 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Phương án tính toán phải bám sát kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2020 do Bộ Công Thương ban hành, cập nhật các thông số đầu vào liên quan đến giá điện như giá than, giá dầu, tỷ giá, tình hình thủy văn các nhà máy thuỷ điện… theo hướng dẫn.

Đồng thời, EVN chỉ đạo, kiểm tra các tổng công ty điện lực, các đơn vị điện lực thực hiện nghiêm túc việc áp giá bán lẻ điện đúng đối tượng theo quy định. Đặc biệt lưu ý việc áp dụng giá bán điện theo đúng quy định cho các khách hàng nằm trong chuỗi quá trình sản xuất và lưu thông hàng nông sản. Chỉ đạo các tổng công ty phát điện, các công ty thuỷ điện thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phối hợp vận hành các hồ thủy điện, nhằm góp phần đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt ở hạ du các hồ thủy điện.

Chỉ đạo các tổng công ty điện lực triển khai Chương trình Quản lý nhu cầu phụ tải, Chương trình điều chỉnh phụ tải điện nhằm mục tiêu cắt giảm phụ tải đỉnh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho năm 2020.

PV