Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 12/2023

Thứ hai, 27/3/2023 | 08:00 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo số 83/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về xây dựng khung khổ pháp lý liên quan đến năng lượng tái tạo và dự thảo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Xây dựng khung khổ pháp lý liên quan đến năng lượng tái tạo

Cụ thể, ngày 16/3/2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về xây dựng khung khổ pháp lý liên quan đến năng lượng tái tạo và dự thảo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Sau khi nghe đại diện Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến của các đại biểu tham gia cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có kết luận như sau:

Thứ nhất, yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng tái tạo theo nhiệm vụ Chính phủ giao và theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng tái tạo

Thứ hai, Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu toàn diện kinh nghiệm quốc tế và trong khu vực để rà soát nội dung dự thảo cơ chế thí điểm DPPA áp dụng ở nước ta đảm bảo phù hợp với khung khổ pháp lý hiện hành, tính khả thi và hiệu quả chung. Trên cơ sở đó, tổ chức hội thảo rộng rãi vào đầu tháng 4/2023 để tham vấn ý kiến các Bộ, ngành, tổ chức (trong và ngoài nước) và một số chuyên gia, nhà khoa học có liên quan để hoàn thiện cơ chế thí điểm DPPA.

Thứ ba, Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, xử lý theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến xử lý chuyển tiếp đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng song chưa được vận hành.

Cụ thể, hướng dẫn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đàm phán/thỏa thuận về giá phát điện giữa các bên theo các quy định đã được Bộ Công Thương ban hành; báo cáo Thủ tướng về việc này trước ngày 31/3/2023.

Bộ cũng rà soát các quy định hiện hành về hoạt động điện lực và pháp luật có liên quan để xem xét, hướng dẫn về việc huy động tạm thời phát điện các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán/thỏa thuận giá phát điện theo các quy định của Bộ Công Thương.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trao đổi với chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp.

Tại hội nghị, đại diện Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) đã trình bày, làm rõ những nội dung yêu cầu theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực về việc chuẩn bị hồ sơ phục vụ đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện. 

Trong quá trình phát biểu, thảo luận, đại diện một số chủ đầu tư mong muốn được sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các vấn đề về cơ chế chính sách, các hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền để thủ tục đàm phán hợp đồng mua bán điện đối với các dự án được sớm triển khai.

Toàn cảnh hội nghị

Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, EVN và các đơn vị liên quan ghi nhận ý kiến của các chủ đầu tư tại hội nghị, đồng thời mong muốn Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, làm căn cứ để EVN và chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán. 

Riêng về vấn đề thỏa thuận đấu nối lưới điện, nếu thỏa thuận cũ đã ký hết hạn thì chủ đầu tư cần sớm làm việc với đơn vị vận hành lưới điện để rà soát, cập nhật lại các số liệu tính toán và tình trạng vận hành mới nhất. 

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết phía EVN rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán với mong muốn các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Chuyển dịch cơ cấu nguồn điện theo hướng bền vững

Ngày 24/3, tại Vĩnh Phúc, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương tổ chức hội thảo “Chuyển dịch cơ cấu nguồn điện và vai trò của ngành công nghiệp khí trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Xu thế phát triển hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch, giảm phát thải, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Hiện nay đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với định hướng, chiến lược của Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các cam kết của Chính phủ nhằm đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Quang cảnh hội thảo

Theo TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới. Ước tính, công suất điện gió và điện mặt trời sẽ vượt công suất của điện khí vào năm 2023 và nhiệt điện than vào năm 2024.

“Như vậy chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đã là xu hướng chủ đạo trong phát triển năng lượng, phát triển nguồn điện và là tất yếu trong phát triển bền vững, phát triển xanh trên thế giới”, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến tình hình sản xuất và tiêu thụ năng lượng, chuyển dịch cơ cấu năng lượng cũng như một số cơ chế chính sách liên quan đến phát triển năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phù hợp với định hướng chiến lược tại Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện cơ chế theo thỏa thuận tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số nội dung như: tình hình sản xuất, tiêu thụ năng lượng và một số cơ chế, chính sách trong phát triển năng lượng; thực trạng và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp khí tại Việt Nam; một số khó khăn, thách thức và những giải pháp trong chuyển dịch cơ cấu nguồn điện; tích trữ năng lượng trong tích hợp năng lượng tái tạo… 

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác có liên quan đến phát triển năng lượng cũng được các chuyên gia, đại biểu phân tích, đánh giá và trao đổi để tìm ra những giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới.

Các ý kiến đã góp phần làm rõ những vấn đề còn tồn tại và đề xuất một số giải pháp cũng như cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các nguồn điện theo hướng phù hợp, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ngân Hà