Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 20/2020

Thứ hai, 25/5/2020 | 09:02 GMT+7
Với tiềm năng điện gió ngoài khơi lên đến 160 GW, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á.

Thảo luận lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam

Cục Năng lượng Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến vào ngày 19/5 để thảo luận các bước đi quan trọng nhất nhằm thúc đấy việc phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng.

Các đại biểu tham dự hội thảo gồm lãnh đạo và chuyên gia của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương, Tổng cục Biển và Hải đảo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 4 tỉnh ven biển: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận, Ninh Thuận. Từ phía Đan Mạch có sự tham gia của đại diện Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam. 

Mới đây, Cục Năng lượng Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến để thảo luận các bước đi quan trọng nhất nhằm thúc đấy việc phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Mục tiêu của hội thảo là nhằm rà soát Báo cáo đầu vào cho lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi và thảo luận những bước đi của Chính phủ Việt Nam để hiện thực hóa quá trình này. 

Ông Martin Hansen, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết: “Hội thảo trực tuyến về điện gió ngoài khơi ở cấp cao là minh chứng cho mối quan hệ đối tác năng lượng tốt đẹp đã được hình thành giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Đan Mạch từ năm 2013. Tôi rất vui khi thấy sự hợp tác và các hoạt động trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi vẫn triển khai đúng tiến độ bất chấp đại dịch do vi-rút corona gây ra. Điện gió ngoài khơi của Việt Nam có tiềm năng dồi dào và có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam”.

Với hơn 3.000 km bờ biển và một số khu vực có lượng gió lớn nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam được coi là thị trường triển vọng nhất cho điện gió ngoài khơi. Báo cáo đầu vào cho lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi – được xây dựng với sự hỗ trợ của Cục Năng lượng Đan Mạch cung cấp các kết quả phân tích định lượng, đánh giá tiềm năng, phân khu và xếp hạng các khu vực gió ngoài khơi, tính toán chi phí giá, phân tích truyền tải, đấu nối. Ngoài ra báo cáo cũng đề cập đến nhiều vấn đề như các quy định pháp lý, quy trình cấp phép, khả năng hình thành chuỗi cung ứng ở Việt Nam, cơ chế khuyến khích hỗ trợ và các yếu tố quan trọng khác trong việc hình thành ngành công nghiệp gió ngoài khơi ở Việt Nam.

Những phát hiện sơ bộ được trình bày tại hội thảo trực tuyến đã chỉ ra rằng tiềm năng kỹ thuật gió ngoài khơi của Việt Nam là 160 GW. Đây là con số khổng lồ nếu so sánh với 29 GW điện gió ngoài khơi đã được lắp đặt trên toàn cầu tính đến cuối năm 2019. Ngay cả sau khi đã loại trừ các địa điểm không khả thi do xung đột với các mục đích sử dụng biển khác hoặc vì lý do tài chính, tiềm năng xây dựng điện gió ngoài khơi vẫn còn khá lớn. Nguồn tiềm năng dồi dào này hiện đang thu hút mối quan tâm lớn từ các nhà đầu tư quốc tế.

PCC1 và RENOVA hợp tác đầu tư các dự án điện gió tại Việt Nam

Công ty CP Xây lắp Điện I (PCC1) và RENOVA RENEWABLES VIETNAM 1 PTE. LTD (công ty thành viên của RENOVA, Inc Nhật Bản) vừa ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư tại các dự án điện gió (Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên tại Quảng Trị) với tổng công suất 144MW.

Theo đó, PCC1 cùng các cổ đông hiện hữu nắm giữ cổ phần chi phối đến 60%, RRV nắm giữ 40% vốn cổ phần tại các công ty dự án.

Các dự án điện gió có tổng công suất 144MW với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ, dự kiến vận hành phát điện thương mại vào quý III/2021. Theo đó, PCC1 cũng đồng thời là thầu tổng thầu EPC, Vestas là nhà cung cấp thiết bị tuabin gió và quản lý vận hành các dự án này.

PCC1 đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư tại các dự án điện gió tại Quảng Trị với RENOVA

Ông Vũ Ánh Dương, Phó Tổng giám đốc PCC1 chia sẻ: “Sự hợp tác này sẽ là bước khởi đầu để hai bên trở thành đối tác chiến lược dài hạn, cùng đầu tư và phát triển các dự án, không chỉ đem lại lợi ích lâu dài, bền vững cho các bên mà còn đóng góp thiết thực cho việc phát huy tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng như thúc đẩy nền kinh tế tư nhân tiếp tục tăng trưởng và phát triển theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Chính phủ”.

RENOVA, Inc là doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo và hiện là chủ đầu tư của hơn 600MW năng lượng điện sinh khối, quang điện mặt trời tại Nhật Bản. RENOVA cũng đang tích cực phát triển các dự án phát điện gió ngoài khơi quy mô lớn với tổng công suất 700MW. Với chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo tương đồng, đây là thỏa thuận đánh dấu việc RENOVA lần đầu tiên chính thức đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo tại châu Á.

Giá trần điện gió mua từ Lào là 6,95 USCent/kWh

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về nguyên tắc mức giá trần (giá tối đa) điện gió nhập khẩu từ Lào là 6,95 USCent/kWh

Mức giá này áp dụng với các nhà máy vận hành trước ngày 31/12/2025 và được áp dụng trong cả đời dự án là 25 năm. Giá điện bình quân cả đời dự án tại thời điểm đàm phán được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thỏa thuận với chủ đầu tư, các dự án điện nhập khẩu không được vượt mức giá trần này. Giá điện được xác định tại biên giới Việt Nam, các bên có trách nhiệm đầu tư, xây dựng và vận hành đường dây truyền tải ở mỗi nước đến biên giới.

Chính phủ giao Bộ Công Thương có trách nhiệm rà soát, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định giá trần áp dụng sau năm 2025. Đồng thời trách nhiệm toàn diện về số liệu, kết quả tính toán và hướng dẫn EVN về giá điện nhập khẩu từ các cụm nhà máy điện gió theo quy định và trên cơ sở mức giá trần nhập khẩu điện gió từ Lào đã được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả, lợi ích của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về nguyên tắc mức giá trần điện gió nhập khẩu từ Lào là 6,95 USCent/kWh

Trước đó, Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng về nguyên tắc và mức giá trần đối đa nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam đối với loại hình nhà máy điện gió, kiến nghị mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam đối với loại hình nhà máy điện gió tương ứng với mức giá điện tối đa nhập khẩu với loại hình nhà máy thủy điện là 6,95 USCent/kWh.

Cụ thể, đối với chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối cụm nhà máy điện gió Monsoon (Lào) với tổng công suất 600 MW, hiện chủ đầu tư đã đàm phán, trao đổi với EVN về các nội dung chính của hợp đồng mua bán điện, các điều khoản chi tiết trong hợp đồng mua bán điện sẽ được hai bên đàm phán trong giai đoạn sau khi được chấp thuận chủ trương nhập khẩu. Trong đó, chủ đầu tư phía bạn đã có văn bản cam kết với EVN về giá bán điện của dự án không cao hơn khung giá đối với loại hình nhà máy thủy điện do Thủ tướng quy định về nguyên tắc và giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam là 6,95 USCent/kWh.

PV