Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 23/2022

Thứ hai, 20/6/2022 | 08:00 GMT+7
Dự án Tăng cường tích hợp năng lượng tái tạo (REACH) nhằm mục tiêu nâng cao năng lực vận hành hệ thống và năng lực truyền tải, tích hợp và phát triển bền vững nguồn điện từ năng lượng tái tạo huy động đầu tư từ khu vực tư nhân.

Tăng cường hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề Chuẩn bị dự án Tăng cường hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo (REACH) và thủ tục trình duyệt theo quy định tại Nghị định 114/2021/NĐ-CP tại tỉnh Khánh Hòa.

REACH là dự án thứ 2 của EVN (sau dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III) đăng ký sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 114/2021 NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Dự án REACH bao gồm 2 cấu phần. Cấu phần 1: các dự án lưới điện truyền tải nhằm tăng cường tích hợp năng lượng tái tạo bao gồm: đường dây 500kV Krongbuk - Tây Ninh 1; trạm biến áp 500kV Bắc Châu Đức và đấu nối; trạm biến áp 220kV Phước Đông. Cấu phần 2: quản lý điều độ hệ thống điện - dự án SCADA/EMS giai đoạn 4.

Nâng cao năng lực vận hành hệ thống và năng lực truyền tải, tích hợp và phát triển bền vững nguồn điện từ năng lượng tái tạo

Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, đứng trước thay đổi lớn về chuyển dịch năng lượng và quy hoạch cơ cấu nguồn điện, với xu hướng tập trung phát triển năng lượng tái tạo, dự án REACH sẽ góp phần quan trọng giúp EVN vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hội thảo này là sự kiện quan trọng khởi đầu của dự án REACH, nhằm hỗ trợ và hướng dẫn các đơn vị của EVN tham gia dự án cũng như các đơn vị sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nắm được các quy định, thủ tục pháp lý theo quy định hiện hành. 

Ông Dương Quang Thành yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (EVNNLDC) hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị hồ sơ trình duyệt theo yêu cầu thẩm định của WB, đồng thời đáp ứng các quy định của Chính phủ Việt Nam về thủ tục trình duyệt dự án đầu tư, quy định quản lý sử dụng nguồn vốn ODA tại Nghị định 114/2021/NĐ-CP, đảm bảo tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

Đề xuất giải quyết các vướng mắc phát sinh về điện mặt trời mái nhà

EVN vừa có tờ trình 3158/TTr-EVN gửi Hội đồng thành viên EVN về việc “Xử lý, giải quyết các vướng mắc phát sinh về điện mặt trời mái nhà”.

Tờ trình nêu, thời gian qua, EVN và các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tại địa phương (TCTĐL, CTĐL) liên tục nhận được kiến nghị của một số chủ đầu tư và địa phương về việc ngành điện “Tạm thời không thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) vào lưới điện trong thời gian chờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế và có hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương”.

Trong đó, có một số nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức trong nước được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư, quỹ phát triển của Chính phủ các nước, đề nghị được đấu nối hệ thống ĐMTMN để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát điện lên lưới điện của TCTĐL, CTĐL.

EVN đề xuất xử lý, giải quyết các vướng mắc phát sinh về điện mặt trời mái nhà

Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, EVN xin ý kiến Hội đồng thành viên cho phép EVN có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương sớm có quy định cụ thể về cơ chế ràng buộc về trách nhiệm tự chịu rủi ro của khách hàng, điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật, giám sát đối với hệ thống ĐMTMN để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát điện lên lưới điện của các TCTĐL, CTĐL. Trước mắt xem xét ưu tiên lắp đặt tại khu vực miền Bắc.

Đồng thời, EVN cũng sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành đồng bộ các quy định quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến an toàn công trình xây dựng khi lắp đặt ĐMTMN…

Tờ trình của EVN cũng đưa ra những kiến nghị giải quyết tranh cãi về “Thủ tục đăng ký kinh doanh ĐMTMN đối với hộ gia đình, cá nhân”.

Theo đó, các TCTĐL, CTĐL được yêu cầu thanh toán tiền mua điện từ hệ thống ĐMTMN cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng không phải đăng ký, bổ sung ngành, nghề kinh doanh ĐMTMN (do có mức thu nhập thấp theo quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Đồng thời, rà soát, yêu cầu chủ đầu tư ĐMTMN thuộc đối tượng phải đăng ký/bổ sung hoàn thành thủ tục này theo quy định. Trường hợp hết thời hạn yêu cầu mà chủ đầu tư không đăng ký, bổ sung ngành nghề kinh doanh thì TCTĐL, CTĐL tạm thời dừng thanh toán và báo cáo Sở ngành, UBND tỉnh, thành phố tại địa phương để cùng phối hợp xử lý.

Thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng

Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đã tổ chức họp Hội nghị các Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu trong hai ngày 14 và 15/6, tại Thụy Sĩ.

Hội nghị tập trung đánh giá hiện trạng, xu hướng chính sách kinh tế, thương mại tại khu vực châu Âu – những tác động đến Việt Nam, những vấn đề đặt ra trong thời gian tới và trao đổi để đưa ra các khuyến nghị về chiến lược, các biện pháp phát triển thị trường khu vực châu Âu cho giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, đặc biệt tập trung vào tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng các khung hợp tác mới về kinh tế, thương mại và công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới, công tác vận động chính sách, tháo gỡ rào cản thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại phục vụ doanh nghiệp.

Hội nghị các Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả hoạt động của hệ thống Thương vụ đã đạt được trong thời gian vừa qua tại thị trường châu Âu - địa bàn có những đối tác xuất khẩu chiến lược hàng đầu của Việt Nam, đồng thời cũng là khu vực Việt Nam đang ưu tiên nỗ lực mở rộng hợp tác về mọi mặt, chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại... 

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, với các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực tại khu vực châu Âu như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) thì việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, khung hợp tác để tận dụng cơ hội do hội nhập đem lại, thúc đẩy việc tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, cũng như tham gia hình thành các chuỗi giá trị mới là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công Thương và các Thương vụ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ đạo các Thương vụ cần tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chính. Đáng chú ý là để góp phần làm chủ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu các Thương vụ cần tích cực tìm kiếm, kết nối, thu hút đầu tư trong các khâu sản xuất, cung ứng vật tư, vật liệu, thiết bị phục vụ phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ, quá trình sản xuất, thiết bị.

Ngân Hà