Trong 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tăng 11,5%
Theo thống kê mới của ngành điện, trong 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 179,44 tỷ kWh, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng và tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện toàn hệ thống trong 7 tháng đầu năm 2024 như sau:
Thủy điện: 40,9 tỷ kWh, chiếm 22,8%.
Nhiệt điện than: 96,4 tỷ kWh, chiếm 53,7%.
Tuabin khí: 14,65 tỷ kWh, chiếm 8,2%.
Năng lượng tái tạo: 24,02 tỷ kWh, chiếm 13,4% (trong đó điện mặt trời đạt 16 tỷ kWh, điện gió đạt 7,3 tỷ kWh).
Điện nhập khẩu: 3,07 tỷ kWh, chiếm 1,7%.
Sản lượng điện truyền tải tháng 7/2024 ước đạt 22,43 tỷ kWh (tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023). Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 121,99 tỷ kWh, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng điện truyền tải tháng 7/2024 ước đạt 22,43 tỷ kWh
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại công văn số 3604/EVN-KH ngày 27/6/2024 về việc báo cáo tình hình vận hành 6 tháng đầu năm 2024 và dự kiến cung cấp điện, vận hành hệ thống điện các tháng còn lại năm 2024, việc cung ứng điện cơ bản được đảm bảo trong thời gian còn lại của năm 2024, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, tăng trưởng điện năng được dự báo tiếp tục tăng cao đến hết năm 2024, dự phòng công suất hệ thống điện quốc gia dự báo còn thấp đến hết tháng 10, trường hợp phụ tải tăng cao kết hợp những yếu tố bất lợi của hệ thống điện vẫn tiềm ẩn nguy cơ phải điều chỉnh phụ tải trong các giờ cao điểm.
Bộ Công Thương tiếp tục thường xuyên theo dõi, giám sát việc cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu), tình hình vận hành các nguồn điện và đôn đốc, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty cùng đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện những tháng còn lại của năm 2024.
Đề xuất những giải pháp để xanh hóa ngành năng lượng
Mới đây, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với các đối tác tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện”.
Để góp phần đánh giá hiện trạng, cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, hội thảo là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng nhằm tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất những giải pháp mang tính then chốt, đột phá của quá trình chuyển dịch năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và tạo lập hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ cho quá trình chuyển dịch nói trên.
Đồng thời, hội thảo cũng đề cập đến tiềm năng, xu hướng một số lĩnh vực, ngành xanh, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh ở Việt Nam (hydrogen, xe điện, thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh…). Hội thảo cũng xác định những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cần phải tháo gỡ; xác định đúng những căn nguyên của vấn đề đang cản trở quá trình chuyển dịch năng lượng xanh và kinh tế xanh hiện nay.
Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo
Ban tổ chức đã nhận được các bài tham luận từ những chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo hiệp hội, tập trung vào một số vấn đề mang tính trọng tâm như: xu hướng thế giới và Việt Nam về phát triển một số ngành nghề/lĩnh vực xanh then chốt gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng; đánh giá sự sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của các tập đoàn dầu khí trên thế giới; chính sách và công nghệ cho quá trình chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam; quá trình thực hiện chuỗi dự án điện khí LNG và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện VIII của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; phát hiện các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng xanh (Quy hoạch điện VIII) hiện nay. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm về những vấn đề liên quan để hiện thực khát vọng xanh hóa ngành năng lượng của Việt Nam.
Kon Tum kiến nghị bổ sung thêm dự án năng lượng vào quy hoạch
Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn vừa làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh của chu kỳ lần tới các dự án lưới điện truyền tải và dự án nguồn điện.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần sớm có hướng dẫn thực hiện lựa chọn chủ đầu tư các dự án thủy điện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý bảo trì, nạo vét lòng hồ thủy điện để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định…
Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Kon Tum tiếp tục quan tâm, quán triệt, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách, giải pháp kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó, lưu ý đến việc triển khai một số chính sách mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển điện mặt trời áp mái, chiến lược phát triển hydrogen.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Kon Tum tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển các lĩnh vực thuộc ngành quản lý. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, tỉnh Kon Tum cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chủ lực, quan tâm phát triển công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao đóng góp của ngành trong cơ cấu kinh tế của tỉnh…