Xúc tiến triển khai các dự án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ đang làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để xúc tiến các bước chuẩn bị triển khai 2 dự án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện giao biển cho 1 dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore, khoảng 10 dự án điện gió trên biển ở vùng 6 hải lý. Bộ Công Thương có thể tham khảo các quy định, thủ tục hành chính để vận dụng cho dự án điện gió ngoài khơi.
Theo lãnh đạo EVN, PVN, hai đơn vị này đã triển khai các bước chuẩn bị để có thể triển khai dự án thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phải lựa chọn những dự án cụ thể, chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, nghiên cứu khảo sát, chính sách, thủ tục đầu tư, tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ… trong quá trình thực hiện toàn bộ dự án. Đây là căn cứ đề xuất phương án thí điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở "luật nào, chính sách nào, thẩm quyền của ai".
Theo Phó Thủ tướng, một số khó khăn, vướng mắc có thể tháo gỡ nhờ sự phối hợp giữa các Bộ, ngành. Đơn cử như vướng mắc về lựa chọn địa điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi không nằm ở luật mà ở khâu tổ chức thực hiện cần sự thống nhất của Bộ Giao thông vận tải (liên quan đến tuyến đường biển quốc tế), Bộ Quốc phòng (nếu là khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh). Tương tự, Bộ Công Thương cần rà soát kỹ vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư, xuất khẩu điện, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài… thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị tháo gỡ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi là quá trình vừa làm, vừa hoàn thiện nhằm hình thành đầy đủ cơ chế, chính sách pháp luật đi kèm cho từng loại dự án phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu, sản xuất hydro xanh... Vì vậy, đề án không chỉ giới hạn ở 2 dự án thí điểm của EVN và PVN. Bộ Công Thương cần khẩn trương hoàn thiện đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
Khởi công nhà máy đốt rác phát điện có vốn đầu tư 6.400 tỉ đồng tại TPHCM
Lễ khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa giai đoạn 1 có vốn đầu tư 6.400 tỉ đồng vừa diễn ra tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM. Công trình do Tập đoàn Bamboo Capital làm chủ đầu tư sau khi BCG Energy, công ty thành viên của Bamboo Capital mua lại Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa - chủ dự án trước đây.
Theo thiết kế, Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa được xây dựng trên diện tích 20 ha, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2024 đến năm 2025 có tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng, công suất đốt 2.000 - 2.600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 60MW, sản lượng điện phát lên lưới dự kiến lên đến 365 triệu kWh/năm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của khoảng 100.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 257.000 tấn CO2/năm.
Giai đoạn 2 của dự án dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2025 - 2026, công suất đốt rác được nâng lên đến 6.000 tấn/ngày, công suất phát điện có thể lên đến 130MW. Giai đoạn 3 của nhà máy dự kiến được triển khai từ năm 2027 đến năm 2029, công suất đốt rác lên tới 8.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt tới 200 MW.

Phối cảnh Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa do Tập đoàn Bamboo Capital xây dựng
Theo chủ đầu tư, công nghệ lõi sử dụng cho Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa là công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll hiện đại bậc nhất hiện nay, được sử dụng tại hàng trăm nhà máy điện rác trên thế giới. Công nghệ này là lựa chọn tối ưu, phù hợp với đặc trưng của rác thải tại Việt Nam đa phần chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp. Hoạt động xử lý rác của nhà máy hoàn toàn khép kín, khí thải ra môi trường được xử lý an toàn và không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Doanh nghiệp đề xuất đầu tư nhà máy đốt rác phát điện với công suất 4.000 tấn/ngày tại TPHCM
Công ty TNHH BENVITEK (trụ sở tại TPHCM) vừa có văn bản gửi UBND TPHCM đề xuất đầu tư nhà máy đốt rác phát điện với công suất 4.000 tấn/ngày.
Doanh nghiệp đề xuất xây dựng nhà máy trên diện tích 20ha với công suất xử lý rác là 4.000 tấn/ngày. Thời gian xây dựng nhà máy dự kiến là 2 năm.
Về công nghệ đốt rác, nhà máy sẽ sử dụng công nghệ WES của Hoa Kỳ để xử lý rác thải rắn sinh hoạt hỗn hợp chưa phân loại. Rác sau khi đưa về nhà máy sẽ có công nghệ tự phân loại, trong đó, vật liệu có thể tái chế sẽ khử trùng tái sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn. Còn rác hữu cơ sẽ được ủ men vi sinh phân hủy, thu khí mê-tan, lọc sạch thành khí CNG để đốt phát điện qua tuabin hơi nước. Cặn bùn sau khi thu khí mê-tan từ rác hữu cơ sẽ được xử lý thành phân bón.
Với công suất xử lý dự kiến là 4.000 tấn/ngày, nhà máy sẽ phát điện đến 100 MW/ngày. Đồng thời sẽ, bán tín chỉ carbon do thu được khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính, góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ.

Ảnh minh họa
Hiện mỗi ngày, TPHCM phát sinh 9.800 tấn rác thải sinh hoạt; vào cao điểm lễ, Tết, con số này lên đến 11.000 tấn. Trong đó, phần lớn rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đến năm 2025, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt thông qua công nghệ đốt rác phát điện đạt ít nhất 80% và tăng lên 100% vào năm 2030.