Năng lượng phát triển

Bản tin năng lượng số 34/2020

Thứ hai, 31/8/2020 | 09:01 GMT+7
Tại Hà Nội, mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương, Liên Hợp Quốc (UNESCAP) chủ trì tổ chức Hội thảo khởi động giới thiệu kế hoạch thực hiện Dự án thí điểm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Lộ trình quốc gia để thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 7 (SDG7).

Hướng tới mục tiêu năng lượng sạch và giá cả phải chăng

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương và UNESCAP, Lộ trình quốc gia để thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 7 (SDG7) cho Việt Nam sẽ được chuyên gia của hai phía phối hợp xây dựng dựa trên việc sử dụng Bộ công cụ xây dựng chính sách năng lượng quốc gia nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 7 (National Expert SDG Tool for Energy Planning – NEXSTEP).

Hội thảo khởi động này nhằm giới thiệu về kế hoạch thực hiện của dự án và sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc xây dựng Lộ trình SDG7 và phác thảo các bước và nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành vào năm 2020 cũng như hướng tới năm 2030.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: “Việc đề xuất lộ trình chuyển đổi ngành năng lượng để đạt được Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris là một nhiệm vụ phức tạp và khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách. Bộ Công Thương đánh giá cao nỗ lực của UNESCAP trong việc phát triển NEXSTEP để hỗ trợ xây dựng lộ trình SDG7 quốc gia cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam”. 

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng cao so với xu hướng phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Dự kiến đến năm 2030, cả nước sẽ cần 129.000 MW công suất điện do đó, Việt Nam cần tăng lượng điện năng cung cấp lên trên 7.000 MW mỗi năm.

Hội thảo khởi động giới thiệu kế hoạch thực hiện Dự án thí điểm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Lộ trình quốc gia để thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 7 (SDG7)

Ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh: "Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức. Thực tế, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Trong cơ cấu năng lượng sơ cấp, tỷ lệ nhập khẩu năng lượng tăng ở mức 20% vào năm 2020 sẽ tăng lên 50% từ năm 2030. Để đáp ứng nhu cầu nêu trên, ngành năng lượng đòi hỏi phải đi trước một bước và phát triển bền vững".

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2015, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động sự tham gia của tất cả các bộ, ngành địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và tất cả 17 Mục tiêu Phát triển bền vững.

SDG7 về năng lượng sạch và giá cả phải chăng cũng là mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đang hướng tới. Việc này cũng đòi hỏi đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, giảm phát thải và quan trọng hơn là xem xét và tận dụng mối liên hệ giữa Mục tiêu Phát triển bền vững 7 và các SDG khác.

Theo ông Hongpeng Liu, Giám đốc Ban Năng lượng, UNESCAP, việc xây dựng lộ trình SDG7 cho Việt Nam cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan có mối liên hệ với nhu cầu hoặc nguồn cung năng lượng. Lộ trình cũng cần được hài hòa và phù hợp với các chiến lược và kế hoạch năng lượng quốc gia hiện có.

Năng lượng là yếu tố chính cho mọi sự phát triển và là nền tảng để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, mục tiêu phần đấu không để ai bị bỏ lại phía sau. Sự suy giảm kinh tế do đại dịch Covid-19 củng cố tầm quan trong của năng lượng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đúng hướng và đạt được các mục tiêu toàn cầu. Việc đạt được Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris bằng cách chuyển đổi ngành năng lượng là một nhiệm vụ phức tạp, khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách.

Quá trình chuyển đổi cần đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, giảm phát thải, đồng thời xem xét và tận dụng mối liên hệ giữa SDG7 và các SDG khác. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống tích hợp bằng cách xem xét sự hợp lực giữa các thành tố của SDG7 bao gồm: tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm phát thải từ lĩnh vực năng lượng và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo.

Tại hội thảo, các chuyên gia phía Việt Nam và ESCAP cũng trình bày 5 tham luận chính với 2 nhóm nội dung: thứ nhất, phía ESCAP giới thiệu về NEXSTEP và các kêt quả sơ bộ đạt được; thứ hai, phía chuyên gia trong nước giới thiệu về thực trạng chính sách ngành năng lượng và các cơ hội, thách thức cho ngành năng lượng trong việc thực hiện SDG7 từ góc độ hoạch định chính sách và sự tham gia của khu vực tư nhân.

Lập quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia

Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức hội thảo lần 1 về quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Bộ Công Thương, đây là lần đầu tiên Việt Nam lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Đề án gồm có 13 chương, chia làm 4 phần.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia lần này có bối cảnh tương đối khác với những lần lập quy hoạch trước. Đơn cử như quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia chuẩn bị trong quá trình các quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được thực hiện, trong khi đây là những yếu tố cốt tử đảm bảo quy hoạch không bị tác động bởi các chiến lược được lập sau này.

Quy hoạch này được lập trên cơ sở bám sát tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị. Theo đó yêu cầu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng một cách ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý để phát triển kinh tế xã hội. Quy hoạch ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Hội thảo lần 1 về quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng kinh tế và dự báo, Viện Năng lượng cho biết, đây là lần đầu tiên quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia được thực hiện nên có những khó khăn về xác định phạm vi, liên kết hạ tầng năng lượng, danh mục dự án quan trọng, cơ chế giải pháp thực hiện quy hoạch. Trong khi đó, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia có liên quan tới nhiều quy hoạch đang trong giai đoạn xây dựng như quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch giao thông, quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch phát triển công nghiệp... Trên thực tế, khả năng đồng bộ các quy hoạch này là một thách thức lớn.

Ông Hùng chia sẻ: "Một trong những thách thức khi lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia là dữ liệu năng lượng quốc gia còn chưa được xây dựng thống nhất và chưa có chuỗi số liệu quá khứ đủ dài. Việc này gây khó khăn cho công tác dự báo nhu cầu năng lượng, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng và liên kết hạ tầng năng lượng".

Hiện quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia mới xây dựng được 5 chương, đến tháng 9 sẽ xây dựng thêm chương 6 - 11, tháng 10 sẽ xây dựng các chương còn lại. Dự kiến vào tháng 11 đề án sẽ được hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Nội dung 5 chương đầu tiên đã hoàn thành chủ yếu phản ánh về hiện trạng năng lượng quốc gia, tình hình thực hiện các phân ngành năng lượng, tình hình dự báo kinh tế xã hội, hiện trạng sử dụng năng lượng và tiềm năng tiết kiệm năng lượng, định hướng phát triển sản xuất các phân ngành năng lượng...

Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ về Quy hoạch điện VIII vào cuối tháng 9/2020. Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện VIII được triển khai gần như đồng thời nên có sự phối kết hợp thông tin, cũng như các giải pháp và cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện.

Tạo điều kiện để khởi công dự án Cụm trang trại điện gió B&T tại Quảng Bình

Để tạo điều kiện khởi công dự án trang trại điện gió BT1 và trang trại điện gió BT2 thuộc Cụm trang trại điện gió B&T, ngày 25/8, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành công văn số 3022/UBND-KT về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Công ty CP Điện gió B&T đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục pháp lý, đảm bảo khởi công xây dựng dự án Cụm trang trại điện gió B&T đúng thời gian dự kiến (ngày 20/9/2020) nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Điện gió B&T kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sớm hoàn thành những thủ tục pháp lý và triển khai từng bước tiếp theo theo đúng quy định để khởi công dự án. Cụ thể, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Công ty CP Điện gió B&T đảm bảo an ninh trật tự trong khởi công và quá trình thực hiện dự án. Sở Xây dựng hướng dẫn công ty triển khai thủ tục liên quan, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch xây dựng 1/500 trong tháng 8/2020. Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tham mưu việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực thuộc hạng mục trạm biến áp 220kV và nhà văn phòng điều hành cho Công ty CP Điện gió BT1 và khu vực thuộc hạng mục trạm biến áp 220kV cho Công ty CP Điện gió BT2 trước ngày 15/9/2020.

Ảnh minh họa

Trong công văn, UBND tỉnh Quảng Bình cũng nêu rõ, sau khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Bình về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ để nhà đầu tư khởi công dự án.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các xã có dự án triển khai, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình tạo điều kiện thuận lợi cho công ty trong công tác thi công lán trại, chuẩn bị mặt bằng, xây dựng lưới điện phục vụ thi công và nâng cấp đường hiện hữu có trong phạm vi khu vực dự án (đường cách lửa, đường dân sinh...) để phục vụ vận chuyển vật tư thiết bị thi công; đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với nhà đầu tư có phương án đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình chuẩn bị, khởi công, thi công và dự án được hoàn thành, đi vào hoạt động.

PV