Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 34/2021

Thứ hai, 6/9/2021 | 08:47 GMT+7
Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 đặt ra nhiệm vụ xanh hóa ngành năng lượng theo hướng phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng...

Xanh hóa ngành năng lượng

Cụ thể, nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 đưa ra nhiệm vụ trong thời gian tới là phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu. 

Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, công nghiệp ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, sản phẩm số, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh; chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Thúc đẩy tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa; đồng thời, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Xanh hóa ngành năng lượng theo hướng phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Theo đó, cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng tăng cường hợp tác về phát triển nguồn cung từ bên ngoài và đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng trong nước. Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả. Xanh hóa ngành năng lượng theo hướng phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng; thực hiện chương trình tiết kiệm điện trong sản xuất, truyền tải và phân phối; bảo đảm an toàn và chống thất thoát điện.

Về hạ tầng năng lượng, nghị quyết định hướng xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý trong sử dụng, phát triển hệ thống cơ sở vật chất và dịch vụ hạ tầng năng lượng; có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. 

Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Phấn đấu tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm.

Khuyến khích doanh nghiệp phát triển ĐMTMN phục vụ nhu cầu tự dùng

Mới đây, tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (trực thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt".

Khuyến khích doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phục vụ nhu cầu tự dùng, tận dụng lưới điện phân phối sẵn có 

Tại tọa đàm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đánh giá cao các doanh nghiệp đã tích cực tham gia đầu tư ĐMTMN trong thời gian vừa qua.

Hiện quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (quyết định 13) đã hết hiệu lực. 

Ông Hùng cho biết, về định hướng thời gian tới, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang dự thảo quyết định của Thủ tướng về phát triển năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có ĐMTMN. Theo đó, các dự án ĐMTMN sẽ không bị hạn chế giới hạn công suất nhưng sẽ phát triển theo đúng bản chất của loại hình này là phục vụ nhu cầu tự dùng, tận dụng hạ tầng lưới điện phân phối hiện có mà không phải tốn thêm chi phí đầu tư thêm. Theo đó, doanh nghiệp phải sử dụng 70 - 90% công suất hệ thống ĐMTMN cho nhu cầu tại chỗ, phần dư bán lên lưới điện từ 35kV trở xuống. Do đó, tuy không bị hạn chế về công suất lắp đặt nhưng doanh nghiệp cần tính toán quy mô lắp phù hợp căn cứ vào nhu cầu dùng tại chỗ của mình.

Về giá ĐMTMN, Bộ Công Thương đang dự thảo theo hướng, phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể bằng khung giá phát điện mặt trời mà Bộ Công Thương ban hành hàng năm, không phải giá cố định như quyết định 13 trước đây để bám sát với thị trường. Phần điện dư sẽ được khống chế công suất, điện lượng. Bộ Công Thương đang hoàn thiện và sẽ sớm lấy ý kiến Bộ, ngành về dự thảo quyết định của Thủ tướng về phát triển năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có ĐMTMN.

Đóng điện trạm biến áp 110kV Nhà máy điện gió Liên Lập (Quảng Trị)

Ngày 3/9, trạm biến áp 110kV Nhà máy điện gió Liên Lập 48MW tại xã Tân Liên, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được đóng điện thành công và an toàn.

Trạm biến áp 110kV Nhà máy điện gió Liên Lập được đầu tư xây dựng trong khuôn viên trạm biến áp 110kV Nhà máy điện gió Hướng Tân với quy mô 1 MBA 110/35kV 63MVA. Phía 110kV vận hành theo sơ đồ hai thanh cái gồm 1 ngăn lộ tổng máy biến áp T1 đấu nối vào thanh cái 110kV trạm biến áp Nhà máy điện gió Hướng Tân. Phía 35kV được thiết kế theo sơ đồ hệ thống một thanh cái gồm 1 ngăn lộ tổng máy biến áp, 1 ngăn đo lường và 3 ngăn xuất tuyến đi các tuabin gió.

Ảnh minh họa

Dự án Nhà máy điện gió Liên Lập có tổng vốn đầu tư hơn 1.970 tỷ đồng. Công suất thiết kế dự án gồm 12 tuabin gió, công suất mỗi tuabin gió khoảng 4MW, tổng công suất 48MW.

Nhà máy điện gió Liên Lập khi đi vào vận hành thương mại sẽ cung cấp lượng điện ổn định trung bình 158,8GWh/năm cho hệ thống lưới điện quốc gia, giúp tăng cường khả năng cung cấp điện, nâng cao độ tin cậy của lưới điện và góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Trị cũng như các khu vực lân cận.

Ngân Hà