Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 31/2021

Thứ hai, 16/8/2021 | 08:48 GMT+7
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 7 tháng đầu năm, năng lượng tái tạo đạt 17,35 tỷ kWh, chiếm 11,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

7 tháng, năng lượng tái tạo chiếm 11,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống

EVN cho biết, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 7/2021 đạt 23,95 tỷ kWh, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng đạt 151,65 tỷ kWh, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Trong đó tỷ lệ huy động một số nguồn chính như sau: 

Thủy điện đạt 38,29 tỷ kWh, chiếm 25,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Nhiệt điện than đạt 76,86 tỷ kWh, chiếm 50,7% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Tuabin khí đạt 17,95 tỷ kWh, chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 17,35 tỷ kWh, chiếm 11,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 2 triệu kWh.

Điện nhập khẩu đạt 722 triệu kWh, chiếm 0,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, năng lượng tái tạo đạt 17,35 tỷ kWh

Trong 7 tháng năm 2021, điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 75,78 tỷ kWh, chiếm gần 50% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Trong đó, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện do EVN sở hữu 100% vốn (không tính EVNGENCO3 và các công ty cổ phần) đạt 44,74 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 29,50%.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 7/2021 ước đạt 20,55 tỷ kWh, tăng 5,27% so với tháng 7/2020. Lũy kế 7 tháng đạt 132,30 tỷ kWh, tăng 7,86% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản lượng điện truyền tải tháng 7/2021 đạt 19,08 tỷ kWh, trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng Bắc - Trung và Trung - Nam. Lũy kế 7 tháng năm 2021, sản lượng điện truyền tải đạt 121,8 tỷ kWh, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước.

Chia tách dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh) thành hai dự án nhỏ

Tập đoàn B.Grimm Power của Thái Lan và Tập đoàn Xuân Cầu của Việt Nam đã mới đây đã chia tách dự án điện mặt trời Dầu Tiếng – Tây Ninh (DTE) thành hai dự án nhỏ hơn thông qua việc thay đổi cấu trúc sở hữu của công ty chủ đầu tư.

Cụ thể, dự án DTE (quy mô 420 MW) sẽ được chia thành dự án DTE1 (180 MW) và dự án DTE2 (240 MW). Theo đó, Công ty CP năng lượng DT1 do Xuân Cầu sở hữu 100% sẽ nắm giữ toàn bộ dự án DTE1.

B.Grimm Power trước đây sở hữu 55% cổ phần DTE, tương ứng quy mô 231 MW, sẽ nâng sở hữu lên 96,25% cổ phần DTE và doanh nghiệp này chỉ còn sở hữu dự án DTE2. Gần 4% còn lại do Xuân Cầu sở hữu.

Theo Tập đoàn Thái Lan, giao dịch thực hiện nhằm tạo sự linh hoạt hơn khi huy động nguồn vốn và các thỏa thuận tài chính khác nhau của hai đối tác. B.Grimm Power cũng nhấn mạnh, hành động này không được coi là thương vụ liên kết, mua lại hay phân chia tài sản.

Từ tháng 6/2019, Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 chính thức được đưa vào vận hành thương mại, hòa lưới điện quốc gia

Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thông qua khoản vay 160,5 triệu USD nhằm tái cấp vốn cho dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 2 có công suất 240 MW (hiện do Tập đoàn B.Grimm Power nắm 96,25%).

Dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng là dự án hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Thái Lan. Đây được xem là cụm nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với tổng mức đầu tư khoảng 9.100 tỷ đồng vào thời điểm 2018. Dự án được xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, diện tích 504 ha, công suất lắp đặt 420 MW.

Dự án được khởi công vào cuối tháng 6/2018. Sau gần 1 năm thi công xây dựng và lắp đặt, cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng: Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 đã chính thức được đưa vào vận hành thương mại, hòa lưới điện quốc gia trong tháng 6/2019, cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 688 triệu kWh mỗi năm.

Khánh Hòa kiến nghị bổ sung quy hoạch khoảng 15.000MW điện khí

Trong báo cáo về những khó khăn của địa phương mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm, xem xét, bổ sung quy hoạch các dự án điện khí tại khu vực Nam Vân Phong vào quy hoạch điện lực quốc gia với tổng công suất khoảng 15.000MW. Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025 có công suất 1.500MW; giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 6.000MW; giai đoạn 2030 - 2040 đạt 7.500MW. 

Tỉnh Khánh Hòa kiến nghị bổ sung quy hoạch các dự án điện khí tại khu vực Nam Vân Phong

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, những dự án điện khí này hiện đều đã có các doanh nghiệp đăng ký đầu tư như: Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Millennium (Mỹ), liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn QuanTum (Mỹ), liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương Mại Tuấn Dung và Công ty TNHH Tài Tâm, Công ty J-Power (Nhật Bản). Các doanh nghiệp này là những nhà đầu tư có tiềm lực lớn, nhiều thế mạnh trong lĩnh vực điện khí.

UBND tỉnh Khánh Hòa nhận định, nếu các dự án điện khí sớm được bổ sung vào quy hoạch sẽ là lợi thế rất lớn để kêu gọi đầu tư; tạo động lực phát triển cho khu kinh tế Vân Phong nói riêng và tỉnh này nói chung.

Cùng với đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung 1 dự án kho cảng đầu mối khí hóa lỏng với công suất khoảng 17 triệu m3 khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu tại khu vực phía Nam Vân Phong vào quy hoạch năng lượng quốc gia.

Ngân Hà