Phát triển điện gió ngoài khơi gắn với ngành công nghiệp phụ trợ
Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong chuỗi sáng kiến thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo tại Việt Nam do T&T Group cùng Ørsted khởi xướng và tổ chức.
Thông tin tại hội thảo, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đường bờ biển trải dài trên 3.200 km vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng là rất lớn.
Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi với quy mô 5 - 10 GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỉ USD cho nền kinh tế. Nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị quy mô để bảo đảm tính hiệu quả của ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam ở giai đoạn đầu tiên tối thiểu khoảng 5 GW. Điện gió ngoài khơi có thể đóng vai trò quan trọng trong tổng cung năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn giúp lan tỏa, góp phần tạo ra công ăn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ đi kèm theo.
Ông Lê Tuấn Anh cũng nhìn nhận: “Tuy nhiên, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực mới. Vì vậy, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết thoả đáng bao gồm việc xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện, nâng cao năng lực thi công, xây lắp và đặc biệt quan trọng là phát triển chuỗi cung ứng nội địa”.
Dự báo nền công nghiệp phụ trợ cho năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu rất sôi động trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T chia sẻ, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất ước tính của năng lượng tái tạo Việt Nam cho đến năm 2030 là khoảng 44.000 MW và sẽ tăng gấp 3 lần - khoảng 144.000 MW vào năm 2045. Trong khi đó, phần lớn trang thiết bị công nghệ nguồn điện tái tạo hiện nay đều phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Điều này dẫn tới sự phụ thuộc rất lớn về mặt công nghệ, kỹ thuật và trang thiết bị ngoại nhập, đồng thời, làm tăng chi phí đầu tư cũng như có những hạn chế, khó khăn trong việc chủ động cung ứng và định hướng nội địa hóa giảm giá thành sản xuất từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
“Với tiềm năng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), chúng tôi tin rằng, trong thời gian tới, nền công nghiệp năng lượng tái tạo cũng như nền công nghiệp phụ trợ cho năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu là rất sôi động bởi nhu cầu rất lớn”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình nhấn mạnh.
Ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Tập đoàn Ørsted cho biết, Ørsted và T&T Group cam kết trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để cụ thể mục tiêu này, Ørsted, T&T Group và các đơn vị cung ứng hàng đầu thế giới đã và đang xây dựng kế hoạch dài hạn hình thành chuỗi cung ứng cạnh tranh, đáp ứng không chỉ thị trường trong nước mà còn có thể đáp ứng nhu cầu thị trường khu vực châu Á và trên thế giới.
Thực hiện chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam
Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) mới đây đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị cấp cao tổng kết những thành tựu và đóng góp tích cực của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam trong suốt hơn 4 năm hoạt động với vai trò là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao kết nối Chính phủ Việt Nam với các đối tác phát triển và các bên liên quan nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam. Hội nghị đồng thời giới thiệu 5 nhóm công tác kỹ thuật mới bao gồm: quy hoạch chiến lược ngành điện, năng lượng tái tạo, tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện, hiệu quả năng lượng và thị trường năng lượng.
“Cùng nhau, chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam” - khẩu hiệu mới của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam khẳng định rõ mục tiêu của nhóm là tiếp tục đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả và góp phần định hình quá trình chuyển dịch năng lượng của quốc gia.
Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam
Trong phiên thảo luận chuyên đề cấp cao, đại biểu từ các tổ chức uy tín đã tích cực tham gia trao đổi ý kiến xoay quanh các chủ đề như Quy hoạch điện VIII theo định hướng của Chính phủ về chuyển dịch năng lượng bền vững, cũng như những kết quả, tác động của Hội nghị COP 26 đối với định hướng của ngành năng lượng Việt Nam. Nhiều kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cũng được chia sẻ tại cuộc họp nhằm tháo gỡ những khó khăn về kỹ thuật, đầu tư cho chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: “Trong những năm qua, Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò là một diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác quốc tế, kết nối sự hỗ trợ quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Trong năm 2021, VEPG đã tái cơ cấu các nhóm Công tác kỹ thuật, xác định các chủ đề trọng tâm phù hợp với nhu cầu cấp thiết của quốc gia cũng như tận dụng được các nguồn lực hỗ trợ từ trong và ngoài nước. Cùng với các Bộ, ban, ngành và các đối tác trong và ngoài nước, VEPG sẽ hỗ trợ Chính phủ xây dựng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết thêm: “Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xây dựng cơ cấu năng lượng xanh hơn, sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn là một đóng góp quan trọng, không chỉ phục vụ sự phát triển bền vững của nền kinh tế mà còn đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Liên minh châu Âu cũng như các đối tác phát triển khác có mặt ở đây hôm nay để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng này, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng với chi phí hợp lý cho tất cả mọi người và bảo vệ khả năng cạnh tranh của Việt Nam ở cấp địa phương cũng như quốc tế”.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng khẳng định: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường phát triển ngành năng lượng xanh hơn và bền vững hơn”.
PV Power hợp tác đầu tư năng lượng sạch
Tại Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) cùng IB Global và IDG Capital Việt Nam ký biên bản ghi nhớ thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa PV Power và Quỹ Năng lượng sạch Việt Nam sau khi thành lập.
IDG Capital Việt Nam được biết đến như một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm thành công và có sức ảnh hưởng nhất Việt Nam. Dựa trên hiểu biết về thị trường nội địa và nguồn lực thị trường, IDG hỗ trợ định hướng hướng phát triển cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong khi đó, IB Global là công ty dịch vụ chuyên tư vấn lĩnh vực năng lượng sạch.
Hiện IB Global cùng IDG Capital đang tiến hành thành lập một quỹ đầu tư tư nhân tại Singapore với tên Quỹ Năng lượng sạch Việt Nam nhằm mục đích huy động 300 triệu USD vốn cổ đông, 1 tỷ USD tổng vốn cho lĩnh vực năng lượng xanh và sạch của Việt Nam trong 3 năm tới. Đây được coi là một bước đi chiến lược bởi thế giới đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng mà trong đó các nguồn năng lượng xanh được xem là điểm sáng nổi bật, khi góp phần quan trọng hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường cũng như giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.
Lễ ký kết hợp tác giữa PV Power với IB Global và IDG Capital Việt Nam
Là một trong những đơn vị sản xuất điện năng hàng đầu Việt Nam, PV Power xác định tập trung phát triển đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, theo xu hướng chung của toàn thế giới. Thông qua việc thành lập Công ty CP Năng lượng tái tạo (PV Power REC), PV Power mong muốn sẽ có thể khuyến khích và thu hút đầu tư vào năng lượng xanh, sạch của Việt Nam. Đây là tiền đề để PV Power tiến tới trở thành một nhà sản xuất điện năng thân thiện với môi trường.
Với biên bản ghi nhớ được ký kết, Quỹ Năng lượng sạch Việt Nam sau khi được thành lập sẽ góp phần đa dạng hóa đầu tư đối với lĩnh vực năng lượng sạch Việt Nam, mở ra những cơ hội tham gia vào các dự án năng lượng sạch cho PV Power.