Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 43/2024

Thứ hai, 18/11/2024 | 08:59 GMT+7
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống.

Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, mong đợi, chia sẻ.

Theo báo cáo số 779/BC-CP của Chính phủ, về bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống. Đã đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, ban hành cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách về điện rác, điện sinh khối… Hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên; tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII…

Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống. (Ảnh minh họa)

Thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12 - 13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng. Tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện. Rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý và bảo đảm định giá đúng, đủ, hợp lý để khuyến khích phát triển các nguồn điện. Đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.

Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi... Đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện. Chính phủ đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua tại kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý.

Chia sẻ giải pháp phát triển năng lượng xanh cho các doanh nghiệp ở ĐBSCL

Mới đây, Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm khoa học và hợp tác Net Zero Việt Nam – Asia và Hua Wei tổ chức hội thảo “Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng xanh là xu thế tất yếu và yêu cầu bắt buộc để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam. ĐBSCL với nguồn tài nguyên phong phú về điện gió, mặt trời và sinh khối giúp đảm bảo an ninh năng lượng.

Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ cũng đã mở ra nhiều chính sách ưu đãi mới nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đặc biệt, mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Ảnh minh họa

Báo cáo từ Trung tâm khoa học và hợp tác Net Zero Việt Nam – Asia cho thấy, theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đến năm 2035, ĐBSCL có thể khai thác hơn 68.600 MW điện gió trên đất liền và hơn 31.500 MW điện mặt trời. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng này, điều đáng lo là nhu cầu năng lượng tại ĐBSCL tăng 15% trong 10 năm qua. Theo dự báo, 10 năm tiếp theo, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng trung bình 12%/năm. Đến năm 2030, nhu cầu về năng lượng có thể tăng gấp 4 lần so với năm 2005.

Theo ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch Trung tâm khoa học và hợp tác Net Zero Việt Nam – Asia, ĐBSCL không chỉ gặp thách thức về biến đổi khí hậu mà còn đang có nhu cầu cấp bách về chuyển đổi xanh để duy trì sản xuất và phát triển kinh tế bền vững. Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng, hợp tác quốc tế. Hiện các doanh nghiệp đang cần thêm những cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo phù hợp.

Các chuyên gia tham dự hội thảo đã phân tích, trao đổi kinh nghiệm về giải pháp kỹ thuật, áp dụng và triển khai các hoạt động, sáng kiến về sử dụng năng lượng tiết kiệm, những dạng năng lượng mới ứng dụng vào sản xuất, hệ thống lưu trữ năng lượng thông minh, quản lý tối ưu hóa năng lượng. Đồng thời tăng cường kêu gọi tận dụng có hiệu quả những cam kết hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nguồn tín dụng xanh.

Nghệ An triển khai nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An có công văn số 9641/UBND-CN gửi các sở, ban ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; Công ty Điện lực Nghệ An về việc triển khai Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 của Chính phủ.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Đồng thời, tham mưu tổ chức triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh.

Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Nghị định 135/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Việc mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Theo Nghị định số 135/NĐ-CP, Chính phủ giao UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ tại địa phương. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương phải tuân thủ đúng thời gian, trình tự phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Khuyến khích xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông đối với thủ tục đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ quy định tại Nghị định này…

Ngân Hà