Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 6/2019

Thứ hai, 2/12/2019 | 09:06 GMT+7
Hàng loạt dự án điện gió được khởi công hoặc đưa vào nghiên cứu, khảo sát tại một số tỉnh thành tại khu vực Tây Nguyên và Trung Bộ là những tin tức nổi bật trong tuần qua.

Quảng Bình khảo sát, nghiên cứu 2 dự án điện gió mới

UBND tỉnh Quảng Bình mới đây đã thống nhất chủ trương đưa vào nghiên cứu, khảo sát 2 dự án Nhà máy điện gió tại huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh.

Theo đó, tỉnh Quảng Bình đồng ý cho phép Công ty CP Thương mại Kỹ thuật Hải Anh lắp đặt 2 cột đo gió tại các xã An Ninh, huyện Quảng Ninh và xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy để tiến hành nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ quy hoạch dự án nhà máy điện gió có công suất 50MW tại các xã An Ninh, Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh và xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy. Diện tích đất sử dụng dự kiến khoảng 400m2/cột đo gió; thời gian đo gió 15 tháng; diện tích đất sử dụng có thời hạn của dự án khoảng 15ha.

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý chủ trương cho phép Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư xanh lắp đặt 2 cột đo gió để tiến hành nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ quy hoạch dự án nhà máy điện gió Lệ Thủy 3 có công suất 150MW tại các xã Sen Thủy, Thái Thủy thuộc huyện Lệ Thủy. Diện tích đất sử dụng dự kiến khoảng 400m2/cột đo gió; thời gian đo gió 15 tháng; diện tích đất sử dụng có thời hạn của dự án khoảng 45 ha; diện tích khu vực khảo sát của dự án khoảng 2.087 ha.

Tỉnh Quảng Bình đồng ý khảo sát, nghiên cứu 2 dự án điện gió mới. (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu 2 công ty phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan để triển khai các thủ tục theo đúng quy định, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến môi trường trong phạm vi cho phép.

UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Công Thương làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện lắp cột đo gió, khảo sát, nghiên cứu thực địa, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch điện đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo cho UBND tỉnh xem xét, quyết định; Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, hướng dẫn công ty thực hiện các thủ tục liên quan về đầu tư (sau khi đự án được bổ sung quy hoạch); Sở Xây dựng hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình tạm đối với cột đo gió theo đúng quy định của pháp luật.

Gia Lai: Động thổ dự án trang trại phong điện HBRE Chư Prông

Tỉnh Gia Lai, Tập đoàn HBRE phối hợp cùng Tập đoàn Super Energy Corporation (Thái Lan) vừa tổ chức lễ động thổ giai đoạn 1 dự án trang trại phong điện HBRE Chư Prông.

Theo ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch Tập đoàn HBRE, dự án trang trại phong điện HBRE Chư Prông giai đoạn 1 có tổng mức vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng với công suất 50MW. Dự án được thực hiện trong 12 tháng, dự kiến tháng 12/2020 bắt đầu phát điện và hòa lưới 110KV Diên Hồng - Chư Sê. Bên cạnh đó, HBRE dự kiến tiếp tục triển khai và hoàn thành giai đoạn 2 trước tháng 11/2021 cũng với công suất 50MW.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, Tập đoàn HBRE đã triển khai và đưa vào vận hành thành công các dự án phong điện ở một số tỉnh như: Đắk Lắk (28,8MW), Phú Yên (giai đoạn 1 - 200MW); Hà Tĩnh (120MW); Vũng Tàu (giai đoạn 1 - 500MW).

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành ghi nhận và gửi lời chúc mừng đến Tập đoàn HBRE nói chung và Công ty CP Phong điện HBRE Gia Lai nói riêng vì đã khởi công dự án trang trại điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng nhấn mạnh, tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để các nhà đầu tư đến Gia Lai và sớm triển khai các dự án. Ông Thành cũng mong rằng, sau khi dự án hoàn thành giai đoạn 1 sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2.

Doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu đầu tư dự án điện gió tại Phú Yên

Mới đây, Công ty Hitachi Solution và Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản có buổi làm việc với đại diện UBND tỉnh Phú Yên để tìm hiểu đầu tư dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh.

Sau khi tìm hiểu về những tiềm năng, lợi thế của Phú Yên trong việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian qua, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản đã kết nối các doanh nghiệp của Nhật quan tâm, tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng. Trong đó, Công ty Hitachi Solution là một trong những doanh nghiệp mong muốn được khảo sát, tìm hiểu đầu tư về dự án năng lượng điện gió trên địa bàn Phú Yên.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cùng các sở, ngành của tỉnh đã thông tin đến nhà đầu tư về những địa điểm có điều kiện gió tốt để nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và những thông tin liên quan về thủ tục đầu tư dự án, chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này. Đồng thời, đại diện tỉnh Phú Yên cũng chỉ rõ một số khó khăn nhất định khi đầu tư dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội và thách thức trong việc đầu tư dự án điện gió tại Phú Yên.

Được biết, các huyện: Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, thị xã Sông Cầu, Sông Hinh của tỉnh Phú Yên là những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió. Hiện nay, Phú Yên có 2 dự án điện gió được bổ sung vào quy hoạch và có nhiều nhà đầu tư khác cũng quan tâm đề xuất nghiên cứu, khảo sát đầu tư lĩnh vực này tại tỉnh.

Tháo “điểm nghẽn” cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn” đã được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Trung tâm tin tức VTV24... phối hợp tổ chức mới đây.

Thời gian qua, các dự án năng lượng tái tạo quá nhanh trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới quá tải, nhiều nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí.

Trong khi đó, theo kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư lưới điện là 214.000 tỉ đồng và giai đoạn 2021 - 2030 là 610.000 tỉ đồng. Với số vốn đầu tư này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khó lòng đáp ứng được áp lực về tài chính. Những vấn đề này đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn trong phát triển điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm áp lực thiếu điện ngay trước mắt, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường

Hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn” là diễn đàn và là cơ hội để các cấp lãnh đạo bộ, ban ngành, địa phương; các doanh nghiệp ngồi lại với nhau; nhìn lại khó khăn, điểm nghẽn và đưa ra những giải pháp, đề xuất trong bức tranh tổng quan chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam, đồng thời lắng nghe bài học, khuyến nghị từ bạn bè quốc tế.

Những ý kiến góp ý và đề xuất chính sách của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế được gửi tới Bộ Công Thương như một bản khuyến nghị cụ thể để Bộ có thể hoàn thiện hành lang pháp lý hướng tới việc phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt vẫn đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng, tuy nhiên nguồn nguyên liệu này đang dần cạn kiệt, gây ra biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì vậy việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đường bờ biển dài hơn 3.000km, gió biển quanh năm, số giờ nắng trong ngày lớn, đây chính là điều kiện thuận lợi để nước ta có thể khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong cuộc sống.

Do đó, nếu có những chính sách tháo gỡ kịp thời thì nguồn điện từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm áp lực thiếu điện ngay trước mắt, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

PV