Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 2/2019

Thứ hai, 4/11/2019 | 09:09 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký kết thỏa ước tín dụng cho dự án Nhà máy Điện mặt trời Sê San 4 với đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 2 nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, III... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua.

EVN ký kết thỏa ước tín dụng cho dự án Điện mặt trời Sê San 4

EVN mới đây đã ký kết thỏa ước tín dụng cho dự án Nhà máy Điện mặt trời Sê San 4 với đại diện AFD.

Đây là khoản tín dụng vay không bảo lãnh Chính phủ trị giá 24,2 triệu Euro cho dự án Điện mặt trời Sê San 4; trong đó AFD tài trợ toàn bộ giá trị hợp đồng EPC của dự án. Dự án Điện mặt trời Sê San 4 có tổng công suất 49 MWp, được xây dựng trong phần đất thuộc Nhà máy Thủy điện Sê San 4, tại tỉnh Gia Lai.

Ngoài dự án Điện mặt trời Sê San 4, AFD cũng đã cam kết tài trợ dưới hình thức không bảo lãnh Chính phủ cho dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng; dự án đầu tư xây dựng lưới điện một số khu vực tại miền Nam (của Tổng công ty Điện lực miền Nam) phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo. Đặc biệt, AFD đang xem xét tiếp tục tài trợ cho dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Đến nay, AFD là nhà tài trợ đầu tiên và duy nhất cung cấp các khoản vay không bảo lãnh Chính phủ cho EVN để thực hiện các dự án điện.

EVN ký kết thỏa ước tín dụng cho dự án Điện mặt trời Sê San 4. (Ảnh minh họa)

Phê duyệt chủ trương đầu tư 2 nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, III

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt chủ trương đầu tư 2 nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, III sẽ được xây dựng tại Quảng Ngãi.

Các nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và Dung Quất III do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư sơ bộ trên 36.200 tỷ đồng. Đối với mỗi dự án, vốn chủ sở hữu của EVN là 20% tổng vốn đầu tư, 80% là vốn EVN vay thương mại.

Quy mô xây dựng mỗi nhà máy có công suất khoảng 750 MW. Địa điểm xây dựng các nhà máy trong Trung tâm Điện lực Dung Quất, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Mục tiêu đầu tư xây dựng 2 dự án nhằm cung cấp nguồn điện ổn định cho hệ thống điện miền Trung và hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn cung cấp điện cho hệ thống. Cả 2 dự án được triển khai đồng bộ với tiến độ cấp khí của dự án thượng nguồn thuộc chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh.

Phát triển dự án phát điện từ sóng biển tại Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Tập đoàn SK và Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam sẽ tài trợ dự án cung cấp điện cho xã An Bình (Lý Sơn) bằng công nghệ phát điện từ sóng biển. Theo các nhà đầu tư, công nghệ này là công nghệ mới, thân thiện với môi trường và không carbon.

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 1 triệu USD, thời gian thực hiện 16 tháng. Đây là dự án cung cấp điện bằng công nghệ phát điện từ sóng biển đầu tiên ở Việt Nam.

Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ, tỉnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp để xây dựng đảo Lý Sơn trở thành đảo xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường, trong đó, chọn xã đảo An Bình là điểm nhấn. Do đó, tỉnh rất đồng tình và thống nhất chủ trương triển khai dự án này nhằm giúp xã đảo An Bình có nguồn năng lượng sạch cho sự phát triển bền vững. Tỉnh sẽ đồng hành cùng với nhà đầu tư để dự án được triển khai trong thời gian sớm nhất.

Dự án cung cấp điện bằng công nghệ phát điện từ sóng biển sẽ được triển khai tại Lý Sơn. (Ảnh minh họa)

WB dự báo giá năng lượng sẽ tiếp tục giảm trong năm 2020

Theo báo cáo triển vọng các thị trường hàng hóa tháng 10/2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), giá các mặt hàng kim loại và năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm xuống trong năm 2020 trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp, dẫn đến nhu cầu sử dụng các loại hàng hóa ở mức yếu.

WB dự báo, tổng thể giá của các mặt hàng năng lượng trong năm 2019 sẽ thấp hơn 15% so với mức giá trong năm 2018 và sẽ tiếp tục giảm xuống trong năm 2020. Trong đó, giá dầu thô được WB dự báo sẽ đạt mức trung bình 60 USD/thùng trong năm nay và giảm xuống mức 58 USD/thùng trong năm 2020. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng dầu thô cũng được dự báo sẽ ở mức thấp hơn so với các ước tính trước đây.

Singapore thúc đẩy sử dụng năng lượng mặt trời

Tại Tuần lễ Năng lượng quốc tế Singapore mới diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức mới và cấp bách về biến đổi khí hậu”.

Theo ông Chan, Singapore là một quốc gia dễ bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao trong khi thời tiết cũng ngày càng nóng hơn và mưa lớn hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để giải quyết những thách thức này, Singapore tập trung vào mở rộng sử dụng năng lượng mặt trời với công suất đạt mục tiêu ít nhất là 2 GW vào năm 2030, tương đương với hơn 10% nhu cầu điện năng cao nhất của đất nước hiện nay.

Bên cạnh việc lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời hơn cho các tòa nhà, Singapore lên kế hoạch tăng gấp đôi công suất của những module năng lượng mặt trời nổi trong các hồ chứa của nước này.

“Singapore cũng sẽ triển khai hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) 200 MW sau năm 2025 để tăng cường sản xuất điện mặt trời. Trong vòng 10 năm tới, chúng tôi dự kiến năng lượng mặt trời với ESS sẽ đạt được chi phí tương đương như các tuabin khí hiện tại”, ông Chan cho biết thêm.

PV