Tăng cường các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia

Thứ tư, 28/8/2024 | 17:26 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo Đánh giá kết quả và tham vấn kinh nghiệm thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) và Hệ thống giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia (M&E).

Thông tin tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Mai Kim Liên cho biết, những năm qua, Việt Nam đã ghi nhận 20/21 loại hình thiên tai, thảm họa thiên nhiên xảy ra trên phạm vi cả nước, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Xác định việc gia tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết của quốc gia, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện nhiều hành động quan trọng. Nổi bật trong đó là Kế hoạch NAP và Hệ thống M&E.

NAP là căn cứ để Chính phủ lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi NAP được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã có cơ sở xây dựng, triển khai những hoạt động thích ứng trong phạm vi quản lý. Thực hiện Kế hoạch NAP giúp Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, tránh sự chồng chéo, trùng lặp, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Ảnh minh họa

Hệ thống M&E nhằm giám sát, đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; cung cấp cơ sở cho việc quản lý, điều phối, thực hiện hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu đảm bảo cung cấp, chia sẻ thông tin cập nhật về tiến độ, kết quả thực hiện hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; đã xây dựng phần mềm báo cáo trực tuyến để hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác báo cáo kết quả giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng thời gian qua.

Tại hội thảo, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh triển khai thảo luận, đánh giá theo 6 nội dung gồm: công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong mọi lĩnh vực; giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu; nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu; khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế; đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức.

Các bên cũng thảo luận về nội dung hướng dẫn lồng ghép giới và tác động xã hội trong NAP để phù hợp với mục tiêu, nhu cầu của các Bộ, ngành, địa phương.

Từ đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc thu thập, phân tích dữ liệu cho hệ thống M&E; cần có định hướng và hướng dẫn cụ thể về đầu tư thích ứng biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực cụ thể; ưu tiên xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tác động của biến đổi khí hậu. 

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh, để Kế hoạch NAP và Hệ thống M&E tiếp tục phát huy hiệu quả trong tương lai, các cơ quan cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu trong nghiên cứu, đề xuất kinh phí triển khai các hoạt động thích ứng phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn về biến đổi khí hậu cho các địa phương thông qua hoạt động hội thảo, khóa tập huấn pháp luật liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu.

Phương An (T/H)