Văn hóa, du lịch

Báo chí giữ vai trò quan trọng trong truyền thông về bình đẳng giới

Thứ năm, 19/10/2023 | 11:48 GMT+7
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm về giới và báo chí nhân kỷ niệm 93 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam Phạm Thị Mỵ đánh giá cao sức mạnh của báo chí trong công cuộc thực hiện các chính sách truyền thông về bình đẳng giới. Nhiều sản phẩm báo chí đã đưa tin theo sát những con người, sự việc tiêu biểu, phản ánh sâu rộng các vấn đề về giới, giúp xã hội có cách nhìn tích cực và khách quan hơn. Bình đẳng giới là vấn đề nóng, thu hút nhiều sự quan tâm trong xã hội. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặt ra trong thời kỳ đổi mới.

Với nỗ lực không ngừng trong nhiều năm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Trong đó, đội ngũ báo chí Việt Nam đã thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; phản ánh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, toàn xã hội về thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới; đề cập đến những thành tựu của đất nước trong công cuộc thực hiện bình đẳng giới, tôn vinh gương sáng tiêu biểu trong cộng đồng.

Quang cảnh hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, nhà báo Vũ Thị Hương Thủy, Phó Trưởng Ban Tin trong nước, Thông tấn xã Việt Nam cho biết, bên cạnh những đóng góp tích cực, công tác thông tin về phòng, chống bạo lực giới vẫn tồn tại một số hạn chế, như việc đưa tin chưa thường xuyên, liên tục; hình thức truyền thông chưa thực sự phong phú và đa dạng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan thông tấn; phóng viên còn thiếu kiến thức, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn về truyền thông bạo lực giới; kinh phí để đầu tư xây dựng, triển khai các tác phẩm truyền thông đặc sắc còn thiếu.

Theo nhà báo Trần Hoàng Lan, Trưởng Ban Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô, những khó khăn trong định kiến giới đã cản trở phạm vi hoạt động, giới hạn đề tài của các phóng viên, một số phóng viên nữ khi tham gia điều tra các vụ việc về bạo lực, xâm hại đã bị đe dọa, gặp nguy hiểm.

Do đó, để công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới có hiệu quả trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức và địa phương cần tạo điều kiện cho người làm báo tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, tiếp cận nhanh chóng nguồn tin chính thống liên quan vấn đề bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới.

Mặt khác, các cơ quan báo chí, thông tấn nên chủ động cung cấp thông tin, số liệu liên quan, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm lên án, đấu tranh chống các hành động bạo lực giới; tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên để nâng cao kiến thức chuyên môn về vấn đề này.

Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam góp ý, bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của quốc gia. Khi tác nghiệp các vấn đề về giới, nhà báo cũng cần thận trọng, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, đặc biệt ưu tiên sự an toàn, quyền riêng tư của đối tượng được đề cập, tránh đổ lỗi cho nạn nhân. Từ ngữ, hình ảnh khi sử dụng có thể định hình quá trình tiến bộ bình đẳng giới và ngược lại, vì vậy các cơ quan báo chí, nhà báo cần được định hướng, nâng cao kỹ năng để sử dụng hợp lý.

Bảo An (T/H)