Văn hóa, du lịch

Hà Nội nâng cao chất lượng gia đình văn hóa

Chủ nhật, 15/10/2023 | 16:53 GMT+7
Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Tọa đàm là hoạt động ý nghĩa nhằm từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.

Gia đình có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam. Gia đình tồn tại và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự gắn bó giữa các thành viên với nhau. Tuy nhiên, dưới tác động của cơ chế thị trường, mối quan hệ giữa này có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo, một số giá trị đạo đức đứng trước nguy cơ bất ổn. Đáng chú ý, áp lực cuộc sống khu vực đô thị dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột hơn giữa các thành viên trong gia đình. Từ năm 2018 - 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 711 vụ bạo lực gia đình; trong đó 284 vụ bạo lực về tinh thần, 397 vụ bạo lực về thân thể, 7 vụ bạo lực về tình dục, 23 vụ bạo lực về kinh tế. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 59 tuổi và trẻ em.

Thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa

Năm 2019, Hà Nội là 1 trong 12 tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Qua 4 năm thí điểm và triển khai Bộ tiêu chí, các Sở, ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Việc thực hiện Bộ tiêu chí trên địa bàn thành phố thời gian qua đã thay đổi đáng kể đời sống văn hóa ở Thủ đô, tác động đến thái độ, hành vi của mỗi cá nhân và việc giữ gìn, củng cố nề nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, từ đó ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. 

Tại tọa đàm, các tham luận tập trung chia sẻ về công tác tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; một số biện pháp giáo dục thiếu nhi tìm hiểu và thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng “Gia đình văn hóa”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò của người cao tuổi trong xây dựng văn hóa gia đình…

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh khẳng định, những kinh nghiệm tại tọa đàm cùng với góp ý của các cấp cơ sở sẽ được Sở tiếp thu và nhân rộng, lan tỏa, qua đó góp phần hữu ích trong xây dựng văn hóa gia đình trên địa bàn Hà Nội, phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bà Trần Thị Vân Anh đề xuất, cần chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa” theo đúng quy định; nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ.

Ngọc Huyền (T/H)