Văn hóa, du lịch

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế

Thứ năm, 19/10/2023 | 11:03 GMT+7
Thừa Thiên Huế đang nỗ lực trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng “văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”.

Ngày 18/10, đoàn khảo sát Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 40 năm đổi mới về xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam làm việc tại Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh luôn chú trọng bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ, nhân cách, lấy đó làm trọng tâm cốt lõi cho phát triển văn hóa. Hiện tại, tỉnh đang nỗ lực xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng “văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”. Cụ thể, về văn hóa, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn, gắn với triển khai hiệu quả một số mô hình, phong trào thiết thực. Chăm lo, phát triển sự nghiệp văn hóa, đặc biệt là bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa; chăm lo phát triển đời sống văn hóa - xã hội, chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống gia đình.

Những năm qua, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực huy động nguồn lực thực hiện và cơ bản hoàn thành dự án giải phóng mặt bằng, di dời dân cư khu vực I kinh thành Huế trong năm 2022; triển khai Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế và các đề án: “Huế - Kinh đô áo dài”; “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Xứ sở mai vàng”, “Festival 4 mùa”, “Thành phố 4 mùa hoa”...

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động bảo vệ môi trường góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, sáng ngày càng phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội.

Quang cảnh buổi làm việc

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Hoàng Khánh Hùng khẳng định, xây dựng văn hóa, phát triển văn hóa, con người Huế luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài. Văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế, con người Huế nói riêng là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng; tạo điều kiện và môi trường, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng để tỉnh phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tỉnh luôn chú trọng đến xây dựng con người Huế phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Việc xây dựng văn hóa trong kinh tế được các cấp, các ngành chú trọng, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế. Tỉnh cũng nỗ lực huy động nguồn lực thực hiện và cơ bản hoàn thành dự án văn hóa; các giá trị văn hóa phi vật thể; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng, sản phẩm văn hóa hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, phát huy tiềm năng, giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, Huế là điển hình về lĩnh vực văn hóa của cả nước; các giá trị mà tỉnh đạt được trong bối cảnh cạnh tranh mới, phát triển văn hóa gắn với phát triển con người; giữ gìn những giá trị văn hóa gia đình; làm tốt chuyển đổi số trên các lĩnh vực… rất được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tỉnh Thừa Thiên Huế cần khai thác tốt hơn thế mạnh địa phương về văn hóa, con người và hệ thống di sản vật thể, phi vật thể, hệ sinh thái đầm phá đa dạng, phong phú; địa phương cần dành nguồn lực tương xứng cho văn hóa, phát huy giá trị di sản tốt hơn trong thời gian tới; phải có chiến lược thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để duy trì và phát triển văn hóa; xây dựng giải pháp cụ thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản, chú trọng những vấn đề đặc trưng trong chỉ số phát triển con người Huế; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số; cơ chế thu hút nhân tài...

Ngoài ra, tỉnh cần tiếp thu các ý kiến của đoàn khảo sát, ý kiến của đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, cũng như xin ý kiến rộng rãi, huy động nguồn lực phản biện xã hội để đóng góp, bổ sung hoàn thành báo cáo xây dựng địa phương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Thanh Bảo (T/H)